Thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Ðầm Dơi không ngừng ra sức lao động, học tập, phát huy nhiều sáng kiến mới, cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, mô hình cải tiến máy cho tôm ăn của đoàn viên Nguyễn Hải Ðăng, Khóm 2, thị trấn Ðầm Dơi bước đầu đạt kết quả rất khả quan.
Thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Ðầm Dơi không ngừng ra sức lao động, học tập, phát huy nhiều sáng kiến mới, cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, mô hình cải tiến máy cho tôm ăn của đoàn viên Nguyễn Hải Ðăng, Khóm 2, thị trấn Ðầm Dơi bước đầu đạt kết quả rất khả quan.
Tuỳ theo yêu cầu của khách hàng và phụ thuộc vào diện tích ao nuôi tôm mà kích thước máy được điều chỉnh cho phù hợp. Máy nặng từ 10-15 kg, có thể chứa từ 20-25 kg thức ăn, điểm mới của máy là thiết bị thanh quăng làm cho thức ăn ra xa từ 10-30 m.
Anh Nguyễn Hải Ðăng kiểm tra thiết bị máy cho tôm ăn tự động. |
Anh Nguyễn Hải Ðăng cho biết: “Ðiểm mạnh của máy là giúp tôm phát triển nhanh hơn vì lúc nào tôm cũng được ăn, tránh tình trạng dư thức ăn ảnh hưởng đến môi trường nước. Chi phí rẻ, cách vận hành cũng dễ dàng và khi người dân xài hiệu quả thì mới đạt mục tiêu của tôi”.
Bình quân mỗi tháng cơ sở làm ra 300 sản phẩm và có giá từ 1.750.000-3.150.000 đồng/máy (rẻ hơn so với các sản phẩm máy cho tôm ăn khác). Thị trường tiêu thụ chủ yếu từ Cà Mau đến Quảng Ninh. Cơ sở của anh giải quyết cho 6 lao động có việc làm, thu nhập mỗi tháng từ 3-5 triệu đồng/người.
Sử dụng máy tự động cho tôm ăn giảm chi phí thuê mướn công lao động, thức ăn được phun ra đều trong diện tích tròn có bán kính từ 10-30 m tuỳ loại. Thức ăn từ bồn chứa đặt phía trên dẫn xuống hệ ống ly tâm bắn ra bằng một mô-tơ đặt dưới cùng. Người nuôi có thể cho tôm ăn liên tục trong ngày thông qua bộ hẹn giờ của máy do người nuôi tự điều chỉnh.
Thức ăn được cho vào sẵn trong thùng chứa, khi đến giờ cho ăn máy sẽ tự động phun thức ăn hoặc hoạt động liên tục tuỳ theo cài đặt. Máy được đặt cách bờ ao từ 12-30 m, nối với bờ bằng cầu để người nuôi mang thức ăn cho vào thùng chứa. Máy cho ăn giúp tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước. Không phải tắt quạt khi tôm ăn, hạn chế thiếu hụt oxy, giúp tôm ăn mạnh hơn. Có thể bớt lại lượng thức ăn nếu trong buổi ăn tôm ăn yếu hoặc thời thiết bất lợi. Nhờ vậy tôm phát triển tốt và đồng đều hơn.
Ông Ðỗ Thành Phương, Khóm 2, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, bày tỏ: “Trước kia tôi có mua cái máy cho tôm ăn mà nó to, nặng nề quá. Giờ mua được cái máy cải tiến này, nó vừa gọn nhẹ mà dễ thao tác, cho tôm ăn đều, tôm rất nhanh lớn”.
Ðây cũng là sản phẩm được Ban Thường vụ Huyện đoàn Ðầm Dơi gửi về Trung ương Ðoàn tham gia Giải thưởng Lương Ðịnh Của.
Việc cải tiến và nâng cao hiệu quả máy cho tôm ăn trong nuôi tôm công nghiệp là một trong những sáng tạo của thanh niên huyện Ðầm Dơi. Ðể giúp thanh niên trên địa bàn huyện có thêm điều kiện tìm tòi, phát huy các sáng kiến mới đòi hỏi các ngành, các cấp cần có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để các sáng kiến mới có điều kiện triển khai và đi vào cuộc sống hiệu quả hơn./.
Bài và ảnh: Gia Quỳnh