Trong những năm qua, việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Ðầm Dơi được quan tâm và đạt những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Trong những năm qua, việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Ðầm Dơi được quan tâm và đạt những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Ấp Tân Ðiền, xã Tân Duyệt có diện tích nuôi thuỷ sản 294 ha, 316 hộ với 1.181 khẩu. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp 12,8 ha với 32 hộ, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 12 ha với 11 hộ, còn lại là nuôi quảng canh kết hợp cua, sò huyết, cá…
Từ năm 2010 đến nay, toàn ấp có 205 hộ tham gia tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chiếm 64,8%. Trong đó, tập huấn tại xã 10 lớp, huyện 5 lớp, Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển tỉnh Cà Mau" triển khai tại ấp 18 lớp, 4 cuộc hội thảo chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật có 1.100 lượt người tham dự. Cũng từ dự án này đã hỗ trợ các hộ dân trong ấp xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi thuỷ sản bền vững theo hình thức nuôi luân canh và nuôi theo hướng VietGAP với diện tích 202 ha, 161 hộ nuôi, triển khai 6 mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, thu nhập sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/hộ. 5 mô hình nuôi tôm công nghiệp, bình quân lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng, riêng hộ ông Tô Hoài Thương lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải) tham quan mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật nuôi tôm theo hướng VietGAP của hộ ông Tô Hoài Thương, ấp Tân Ðiền, xã Tân Duyệt. |
Ông Ðỗ Hảo, Trưởng ấp Tân Ðiền, cho biết, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo giúp bà con nắm bắt và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhận thức của Nhân dân về khoa học - kỹ thuật được nâng lên. Từ đó, các mô hình sản xuất được bà con trong ấp thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, quảng canh theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi rắn ri tượng, cá sấu, cá bống tượng…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm nghèo.
Ông Võ Hoàng Danh, ấp Tân Ðiền, xã Tân Duyệt, bày tỏ: "Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật của người dân trong ấp thực hiện đạt nhiều kết quả, nhận thức của người dân về khoa học - kỹ thuật được nâng cao, chuyển biến tích cực, các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế được nhân rộng, bà con áp dụng vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình".
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức triển khai 19 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thuỷ sản. Ðối với nuôi thuỷ sản, huyện đã triển khai 11 dự án áp dụng khoa học - kỹ thuật như: nuôi lươn và rắn ri tượng thương phẩm, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp nuôi sò huyết, nuôi gà nòi lai thương phẩm, nuôi kết hợp cá chình và cá bống tượng... nguồn vốn trên 4,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng, vốn hộ dân đối ứng gần 3 tỷ đồng, có 79 hộ dân tiên phong áp dụng quy trình canh tác, sản xuất khoa học, kỹ thuật.
Qua triển khai các đề tài, dự án khoa học, kỹ thuật, các hộ dân được chọn thực hiện nhiệt huyết với các mô hình canh tác, sản xuất mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất người dân còn được hỗ trợ từ nhiều dự án, đề án tôm - lúa, sự hỗ trợ kỹ thuật của các công ty giống.
Thông qua chuyển giao khoa học - kỹ thuật của các lớp tập huấn, hội thảo mô hình sản xuất, người dân trong huyện cơ bản nắm vững các quy trình kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, cơ giới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.
Vừa qua, Hội đồng Giám định xã hội về tình hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau có buổi làm việc với huyện Ðầm Dơi về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất từ năm 2010-2016, hội đồng đã ghi nhận những kết quả mà huyện Ðầm Dơi đã đạt được trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thời gian qua.
Ông Trịnh Minh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định xã hội về tình hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất khuyến cáo bà con, hiện nay tình hình thời tiết có những bất lợi, cũng như tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, để đối phó với những bất lợi trên, người nông dân cần chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất để hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Khó khăn của huyện Ðầm Dơi hiện nay là quá trình ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho bà con nông dân còn nhiều khó khăn như đội ngũ kỹ thuật, chuyên môn giỏi chưa nhiều, một bộ phận người dân chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình canh tác sản xuất mới, sợ rủi ro. Một số hộ dân thiếu vốn sản xuất, thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của bà con.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các cấp, các ngành cần có những biện pháp hiệu quả và căn cơ hơn nữa trong việc nhân rộng những mô hình hiệu quả có ứng dụng khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng. Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðầm Dơi Nguyễn Việt Bắc cho biết: “Huyện đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản thông qua nhiều hình thức như: xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở các lớp tập huấn, dạy nghề nhằm làm thay đổi cách nghĩ, cách sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân xoá nghèo, làm cho đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng khởi sắc"./.
Bài và ảnh: Thành Quốc