(CMO) Chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) không nằm trong chế định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà vận hành theo quy định riêng; được thực hiện lồng ghép với chương trình hỗ trợ DNNVV, khi ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là văn bản đầu tiên trong chế định hỗ trợ DNNVV có quy định về hỗ trợ pháp lý cho DN. Đặc điểm trên cho thấy vị thế quan trọng trên danh nghĩa của chế định hỗ trợ pháp lý cho DN. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) làm cho chỉ số PCI tăng không đáng kể.
Hỗ trợ pháp lý cho DN là việc Nhà nước quy định và thực hiện các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý; các điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương trong việc hỗ trợ pháp lý cho DN mặc dù đã có chương trình, kế hoạch được ban hành. Tuy nhiên, việc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DN có kết quả khác nhau ở các địa phương. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực và thừa nhận sự quan trọng, hữu ích của việc hỗ trợ pháp lý cho DN, nhưng không ít nơi đều thừa nhận kinh phí cấp cho thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý ít, có nơi không có; sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hiệp hội DN chưa chặt chẽ; việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc không đáng kể, dẫn tới kết quả chung trong thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN còn khiêm tốn… và hoạt động còn nặng về hình thức.
Các DN đã nhận được sự hỗ trợ nhưng chưa nhiều, hiệu quả của sự hỗ trợ chưa cao, nhiều cơ quan Nhà nước chưa mặn mà hỗ trợ cho DN... Đó là ý kiến của nhiều DN hiện nay đối với công tác hỗ trợ pháp lý của các cơ quan Nhà nước. Theo cộng đồng DN, thời gian qua, họ đã nhận được sự trợ giúp pháp lý từ các cơ quan Nhà nước nhưng chưa nhiều... Hiện hình thức hỗ trợ pháp lý được áp dụng nhiều nhất là tập huấn các văn bản pháp luật và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự quản lý DN. Tham gia các buổi tập huấn có thể thấy, không nhiều DN mặn mà với hình thức này.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, DN gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến hệ thống văn bản pháp luật. Khi đó, các DN phải nhờ đến sự tư vấn, hướng dẫn của các tổ chức, đơn vị am hiểu về pháp luật. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì thấy rằng, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang lúng túng khi muốn được giúp đỡ.
Hỗ trợ pháp lý cho DN là hoạt động cần thiết nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp lý cho chủ DN để phòng tránh rủi ro trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN cần mang tính chuyên sâu hơn theo từng loại hình DN, nội dung pháp lý DN cần trợ giúp. Công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được triển khai qua nhiều hình thức. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử đã cập nhật, đăng tải văn bản pháp luật; bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính các cấp; xây dựng chuyên mục “Dành cho nhà đầu tư”, “Thông tin DN”, “DN hỏi, cơ quan chức năng trả lời”... Bên cạnh việc các DN chủ động tìm hiểu, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật thì cơ quan chức năng cần tăng cường tư vấn pháp lý cho DN. Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều loại hình DN, nên tổ chức tư vấn, trợ giúp chung. Bên cạnh đó, cần phải phân loại các loại hình DN rồi lựa chọn những vấn đề pháp lý nào là cần thiết với họ để trợ giúp. Như vậy, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ thiết thực hơn.
Một điểm dễ nhận thấy, mặc dù đã có kế hoạch hỗ trợ pháp lý rất bài bản và cụ thể, nhưng qua nghiên cứu các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN cho thấy, hỗ trợ pháp lý cho DN được đề cập khá mờ nhạt. Vì vậy, “khách hàng” của chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN là hiệp hội DN, DN còn chưa biết, dẫn tới chưa sử dụng hiệu quả các “sản phẩm” mà chương trình hỗ trợ pháp lý cung cấp; khả năng kết nối của cơ quan hỗ trợ pháp lý với DN chưa cao. Nhiều DN cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN tuy đã được triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay chưa thấy chuyển biến nhiều. Để triển khai hiệu quả cơ chế này, cần có chế tài khi đưa ra quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, nhất là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN của các cơ quan Nhà nước trong thời gian tới”.
ThS.NCS Phạm Quốc Sử