(CMO) Sau 25 năm công tác trong lĩnh vực văn hoá, báo chí, Hoạ sĩ Tô Minh Tấn vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê hội hoạ. Anh đã rinh về hàng loạt giải thưởng cho mình. Đặc biệt, năm 2016, anh là 1 trong 3 hoạ sĩ miền Nam và duy nhất là hoạ sĩ ĐBSCL có 2 tác phẩm trưng bày cuộc triển lãm chủ đề Biển đảo quê hương tại tỉnh Kiên Giang. Mới đây nhất là giải Nhất cuộc thi sáng tác Biểu trưng huyện Ngọc Hiển. Ngoài ra, Hoạ sĩ Tô Minh Tấn còn có nhiều tranh được tham dự triển lãm tuyên truyền trong các sự kiện lớn toàn quốc cũng như các tỉnh, thành phố…
Hoạ sĩ Tô Minh Tấn (phải) thư giãn cùng đồng nghiệp. Ảnh: Hoàng Vũ. |
Hoạ sĩ Tô Minh Tấn công tác tại Báo Cà Mau từ năm 2002 và hiện là Phó phòng Biên tập, phụ trách mảng trình bày.Tờ Báo Cà Mau đàng hoàng, tươm tất như ngày nay có đóng góp lớn từ anh. Làm công việc “bếp núc báo chí” 15 năm, anh chính là người làm “bộ mặt” của Báo Cà Mau đẹp hơn qua từng bài viết, số báo.
Khi mới học xong lớp Trung cấp Mỹ thuật ở Bạc Liêu, Họa sĩ Tô Minh Tấn nhận công tác ở Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cái Nước (lúc này Cái Nước bao gồm cả huyện Phú Tân). Từ vùng quê Cái Nước xa xôi, nhờ ý chí, anh nỗ lực bền bỉ để đến với những thành công. Tô Minh Tấn chọn cho mình một con đường rất riêng là hội hoạ nhưng lại chọn mảng rất “khó xơi” là tranh cổ động và sáng tác logo.
Những lúc chuyện trò, mỗi câu nói của Hoạ sĩ Minh Tấn đều rất hóm hỉnh, ý vị. Bao nhiêu năm, anh vẫn phong cách hoà đồng, lạc quan và đặc biệt là… rất có duyên. Mỗi lần cần phải đưa ra nhận xét liên quan đến chuyên ngành hội hoạ hay đại để là liên quan đến cái đẹp, anh thường nhìn nghiêng, nheo mắt, điệu bộ rất trang trọng và sau đó từ từ… cho kết luận hoặc bình luận rất tinh tế. Cách nói cà rỡn, nhưng đầy tinh thần đóng góp và chân thành ấy khiến ai muốn giận anh thật khó.
Với việc "bếp núc" làm báo, y như rằng, nếu sáng hôm sau có báo ra thì tối hôm trước đèn làm việc của anh lại sáng đèn. Hết việc chớ chẳng tính giờ. Hoạ sĩ Tô Minh Tấn phụ trách trình bày của tờ báo, cũng chính là chịu trách nhiệm để thành phẩm xấu hay đẹp. Và sớm hôm sau, tờ báo còn ấm nóng mực in, anh cầm lên, giơ ra xa, đầu nghiêng về một bên. Bữa nào "ngon lành" thì mặt anh rất tươi, còn hôm nào bị sự cố thì… trán nhăn, môi bặm lại. Vậy mới thấy thái độ, trách nhiệm và đam mê của một người với công việc mình đang làm.
Hết báo tuần, tới các số đặc biệt nhân các sự kiện lớn, rồi vào mùa báo xuân, khối lượng công việc gần như không thể đo, đếm. Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và thời gian còn lại anh dành cho đam mê. Anh nói: “Hội hoạ giống con người mình, yêu cái đẹp, thích những công việc để làm đẹp thêm cho cuộc sống”.
Lâu lâu, anh em cơ quan lại có dịp chúc mừng anh vì đoạt giải ở các cuộc thi. Cũng chẳng hiểu anh lấy đâu thời gian, lấy đâu sức làm việc để có thể gặt hái được những thành công liên tục như vậy.
Anh đam mê và học hỏi nhiều bậc đàn anh trong tỉnh, nhất là lĩnh vực tranh cổ động. Với anh, dòng tranh này có sức cuốn hút mạnh mẽ mà không phải hoạ sĩ nào cũng nhận ra. Tranh cổ động tạo nên sắc màu, không khí ngợi ca quê hương trong những ngày lễ hội. Làm đẹp thêm cho từng vùng quê, góc phố, khiến mọi người yêu hơn quê hương, đất nước.
Với tâm niệm ấy, anh sáng tác tranh cổ động bằng cả trái tim và khối óc. Anh bộc bạch: “Nhiều hoạ sĩ không theo đuổi dòng tranh cổ động, đặc biệt là các hoạ sĩ trẻ. Bởi tranh cổ động thường bị coi là “khô cứng”, có thể gây hạn chế sáng tạo cho hoạ sĩ. Mặt khác, dòng tranh này nếu không am hiểu rất khó thành công. Người hoạ sĩ chọn dòng tranh cổ động phải có khả năng nắm bắt được nội dung, ý tưởng và biết cách sử dụng màu sắc hợp lý, hình tượng chắt lọc, sao cho ngắn gọn, gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo sức thuyết phục cho người xem”.
Nhiều người cho rằng tranh cổ động dễ vẽ, nhưng kỳ thực không dễ chút nào. Bởi đây là loại tranh mang tính chính trị, khái quát cao, đòi hỏi người xem phải rất dễ cảm nhận, có sức thôi thúc, động viên, thuyết phục, thể hiện được tính tuyên truyền đại chúng sâu rộng. Trong tranh cổ động có những biểu tượng mang tính chính trị người vẽ thường lặp lại mà không thể thay thế: búa liềm, bông lúa, lá cờ… do đó phần nào giới hạn phạm vi sáng tạo. Nếu có những đột phá cách điệu, sắp xếp hợp lý về mỹ thuật thì dòng tranh này trở nên mềm mại hơn, người xem sẽ có sự đồng điệu về ý tưởng và cảm xúc.
Hoạ sĩ Tô Minh Tấn nói: “Cái gì mình đam mê, để tâm sức vào đó thì chắc chắn sẽ được thừa nhận”. Sáng tạo trong nghệ thuật là không giới hạn, anh đã mở ra những đường biên giới hạn mới trong lĩnh vực tranh cổ động ở Cà Mau.
Anh cũng vừa nhận được kết quả cuộc thi sáng tác Biểu trưng huyện Ngọc Hiển (giải Nhất), nhiều người tò mò rằng bí quyết nào anh thi đâu trúng đó?. Anh cười tươi: “Mình thi thì phải đầu tư, bỏ công sức vô đó, mỗi tác phẩm phải vừa ý mình trước mới được người ta thừa nhận”. Té ra cái bí quyết ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được...
Phạm Nguyên - Hoàng Vũ