ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 11-12-23 14:03:46

Hướng đi mới cho người trồng chuối

Báo Cà Mau Tháng 9 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai Dự án cải tạo vườn chuối định hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tại Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Dự án xây dựng với quy mô 10 ha, 20 hộ dân tham gia thực hiện.

Xã Trần Hợi có khoảng 250 ha chuối. Theo người dân, mô hình trồng chuối xiêm có ưu điểm đầu tư ít vốn, đỡ công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, có thu nhập thường xuyên và giá cả ổn định. Tuy nhiên, đã qua, người dân chỉ trồng chuối theo cách truyền thống, chất lượng và sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu.

Mục tiêu của dự án nói trên nhằm nâng cao hiệu quả cây chuối, tăng thu nhập cho nông dân từ 10-15% so với sản xuất bình thường, tăng lợi nhuận cho các HTX tham gia thực hiện từ 10-15% sau khi chế biến chuối hữu cơ; liên kết với các doanh nghiệp hoặc HTX bao tiêu sản phẩm chuối, chế biến thành các sản phẩm hữu cơ.

Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Dự án gắn liền với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Dự án sẽ tập huấn cho nông dân kỹ thuật thâm canh, cải tạo vườn chuối, với phương châm cầm tay chỉ việc để nông dân áp dụng vào canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng các phụ phẩm từ cây chuối cải tạo vườn, tăng thêm thu nhập”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Ấp 10B, cho biết: “Việc tiếp cận dự án sẽ tạo điều kiện để nông dân nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc cây chuối, cho ra sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao hơn”.

Cán bộ nông dân xã Trần Hợi đến tham quan mô hình thâm canh cải tạo vườn chuối theo hướng hữu cơ của gia đình ông Trần Văn Tửu, Ấp 10B.

Có kinh nghiệm trên 40 năm trồng chuối, ông Trần Văn Tửu, Ấp 10B, mạnh dạn tham gia thực hiện dự án. Qua hơn 1 tháng thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, đến nay vườn chuối với diện tích 2 ha của gia đình đang trong quá trình phát triển tốt. “Qua hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, tôi tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các chồi chuối con, thu dọn lá và bẹ trên thân chuối để tạo điều kiện tốt nhất cho cây chuối phát triển ổn định, có sức đề kháng tốt, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhìn chung, tuy mới thực hiện dự án, nhưng tôi tin vườn chuối sẽ cho năng suất và sản lượng tốt hơn”, ông Tửu cho biết.

Theo ông Võ Quốc Phong, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 10B, đến thời điểm này, các hộ tham gia đều hiểu rõ mục đích và yêu cầu của dự án, từ đó tích cực thực hiện để vườn chuối gia đình đạt năng suất và chất lượng sản phẩm chuối đạt yêu cầu của các đơn vị thu mua. Không những thế, các hộ dân lân cận đã đến tham quan, tìm hiểu cách canh tác mới này.

Ông Trần Duy Thanh, chủ cơ sở Chuối xiêm sấy khô Bảy Hoàng, Ấp 10B, chia sẻ: “Trước nay sản phẩm chuối trái do người dân làm ra có chất lượng khá tốt, tuy nhiên không đồng đều nên rất khó cho cơ sở thu mua. Mong rằng thời gian tới, khi dự án kết thúc và được nhân rộng, người dân trồng chuối trên địa bàn sẽ có sản phẩm chất lượng hơn, đảm bảo đủ cung cấp cho cơ sở thu mua. Cơ sở cũng sẽ đảm bảo thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng chuối tại địa phương nếu sản phẩm đạt chất lượng và sản lượng do cơ sở đề ra”.

Nhận thức lợi lích của dự án là bà con trồng chuối được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, thay đổi cách canh tác từ truyền thống sang thâm canh, đồng thời áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, UBND xã Trần Hợi đã kịp thời tạo điều kiện tốt nhất để nông dân được tiếp cận với dự án. "Mong các hộ tham gia dự án tuân thủ tốt mục tiêu dự án, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, đồng thời tạo uy tín để liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, nhân rộng mô hình hiệu quả nhằm tăng thêm thu nhập cho người trồng chuối trên địa bàn xã, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả nhãn hiệu "Chuối xiêm sinh thái - Cà Mau"", ông Lê Chiến Luỹ, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết./.

 

Tiệp Khắc

 

Hiệu quả mô hình đa giá trị trên vùng mặn

Bắt đầu từ năm 2018, hộ ông Tiêu Hoàng Trung, ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, đã triển khai mô hình giữ ngọt giữa vùng đất lợ, mặn. Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là mô hình đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hình thức thuận thiên.

Liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản

Ðể đảm bảo đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có các trà lúa trên địa bàn, UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua hỗ trợ bao tiêu nông sản, qua đó, tạo không khí phấn khởi, tăng nguồn thu cho nông dân.

Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU

Mặc dù các cấp, các ngành của tỉnh rất nỗ lực trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhưng đến nay vẫn còn tàu cá của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo thống kê, từ ngày 20/3/2020-7/11/2023, tỉnh đã xác định được 20 tàu cá vi phạm (có 18 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; 2 tàu cá do lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, xử lý). Bên cạnh đó, trong năm 2023, tỉnh còn ghi nhận 12 trường hợp tàu cá của tỉnh bị bắt giữ, xử lý, lực lượng chức năng tỉnh đang điều tra, làm rõ.

Bền vững hướng đi riêng

Sau khi thất bại với con tôm, vợ chồng anh Trần Văn Những và chị Ðỗ Kim Cúc, ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, quyết tâm tìm mô hình mới để ổn định cuộc sống. Vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư cải tạo đất, hình thành nên một cánh đồng bồn bồn phát triển tươi tốt, khác biệt với những hộ nuôi tôm xung quanh.

Cần đa dạng hình thức sản xuất

Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Ðông, thông tin, địa phương có 3/6 ấp có đất sản xuất nằm trên lâm phần rừng phòng hộ. Hiện nay, việc quản lý, chỉ đạo phát triển các loài thuỷ sản kết hợp với con tôm dưới tán rừng ở các ấp này gặp nhiều bất cập, do đa phần người dân nhận khoán đất rừng của các đơn vị tự túc trước đây, diện tích mặt nước ít, khó mở rộng sản xuất.

Rau thuỷ canh trên đất mặn

Đầm Dơi là vùng nuôi trồng thuỷ sản nên đất nông nghiệp địa phương này ngày càng thu hẹp. Thêm vào đó, tình trạng đất bị nhiễm mặn nên khó canh tác, nhất là trồng màu. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch, đặc biệt là rau thuỷ canh theo hướng an toàn, phục vụ người dân địa phương. Ðây là cách trồng rau không cần đất, cây được trồng trên giá thể và trực tiếp hấp thu dinh dưỡng thuỷ canh để sinh trưởng và phát triển.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh trên tôm

Từ đầu năm đến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, với diện tích thiệt hại 105,6 ha. Ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực phòng dịch, giảm thiệt hại nhưng nguy cơ mầm bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Ẩn hoạ từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 100 ngàn lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc, 1.700 người bị ảnh hưởng đến sức khoẻ do phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng cách. Và cùng theo nhận định từ cơ quan này, nguy cơ mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, chỉ đứng sau một số ngành công nghiệp khai thác mỏ, xây dựng và hoá chất.

Cần hỗ trợ thu hoạch lúa - tôm

Kể từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm kết hợp, hằng năm nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước duy trì gieo sạ trên dưới 500 ha lúa - tôm, thuộc xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ. Ðặc biệt, khi hệ thống cống Tiểu vùng Nam Cà Mau hoàn thành thì diện tích gieo sạ lúa - tôm liên tục tăng lên. Vụ mùa năm 2023, bà con xuống giống được hơn 830 ha, lúa đang phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 12. Nông dân phấn khởi về năng suất, nhưng không khỏi lo lắng khâu gặt lúa, bởi đã qua khi đến mùa thu hoạch lúa bà con phải chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công, thậm chí có mướn giá cao cũng khó tìm được người.

Ðể nghề nuôi cua phát triển bền vững

Nhanh tay trói số cua mới câu được để kịp bán cho thương lái, anh Phạm Trung Tân (ấp Ðường Kéo, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) nhẩm tính: “Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi thu hoạch cua bán tầm hơn 90 triệu đồng, trừ chi phí chắc lời hơn 75 triệu đồng. Dưới vuông giờ cũng còn một mớ, đặt lọp vét chừng vài đợt nữa rồi chuẩn bị cải tạo ao đầm lại để làm tiếp vụ mới. Giờ thì kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn vốn đã có, vụ tới đây tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi và chia sẻ cách nuôi để bà con thực hiện, cùng vươn lên phát triển kinh tế”.