Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Cái Nước đang ráo riết vận động bà con rửa mặn để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, do điều kiện về thuỷ lợi, về sự thiếu bền vững trong sản xuất mà người dân không còn mặn mà với vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2016.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Cái Nước đang ráo riết vận động bà con rửa mặn để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, do điều kiện về thuỷ lợi, sự thiếu bền vững trong sản xuất mà người dân không còn mặn mà với vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2016.
Vụ mùa năm 2016 huyện Cái Nước đề ra kế hoạch phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 2.200 ha; vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến 18.000 ha và 2.200 ha sản xuất luân canh lúa - tôm kết hợp. Mục tiêu là thế, nhưng bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, huyện Cái Nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là lĩnh vực sản xuất ngư - nông nghiệp.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Ðoàn Văn Chính cho biết: “Ảnh hưởng từ nắng hạn nên việc sản xuất của bà con trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tôm nuôi thu hẹp diện tích cả công nghiệp lẫn quảng canh cải tiến. Rất khó vận động sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, các mô hình nuôi cá cũng thu hẹp".
Nhiều năm rồi ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, vẫn kiên trì với mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn. |
Theo báo cáo từ Phòng NN&PTNT huyện, với kế hoạch 2.200 ha nuôi tôm công nghiệp, hiện tại diện tích ao đã đào là 2.017 ha (đạt 91,7% kế hoạch). Tuy nhiên, số ao đã đào là vậy nhưng diện tích thật sự đang thả nuôi chỉ khoảng 650 ha. Diện tích tôm quảng canh cải tiến mới chỉ đạt 12.000/18.000 ha (68%); còn kế hoạch phát triển mô hình một vụ lúa trên đất nuôi tôm gần như phá sản.
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu bộc bạch: “Gần 10 năm nay có năm nào kế hoạch lúa - tôm đạt được đâu. Cũng xuống giống đó nhưng rồi cuối vụ lại chết hết thì biết nói sao với bà con đây. Trong khi đó năm nay hạn dai quá, bà con nuôi vụ tôm không đạt nên giờ cứ nấn ná để mong gỡ gạc vụ tôm mà không hy vọng vào vụ lúa”.
Phú Hưng là xã được giao chỉ tiêu thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều nhất so với các xã trong huyện. Tuy nhiên, không có năm nào thực hiện đầy đủ theo kế hoạch (kể cả năm mà thời tiết thuận lợi nhất). Vụ mùa năm 2016 này xã lại tiếp tục được giao 800 ha.
Ông Sáu cho biết thêm: “Do không chủ động về nước ngọt nên bà con rất ngán ngại làm vụ lúa vì sợ rủi ro. Nếu chủ động khép kín được Tiểu vùng II thì có khả quan hơn, vì chủ động ngăn mặn, giữ ngọt được đồng loạt, còn hiện tại thì nạnh ai nấy làm. Lúa đang thời trổ bông thì vuông bên cạnh lấy nước mặn vào nuôi tôm, thế là rủi ro”.
Khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau nhu cầu vốn lớn quá, khó lòng mà thực hiện hoàn thiện trong một sớm một chiều được. Và kết quả là đã 13 năm rồi làm vẫn chưa xong. Giải pháp hiện nay là khép kín ô thuỷ lợi để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm trên địa bàn các xã có điều kiện như: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hoà Mỹ, Tân Hưng. Tuy nhiên, tại các ô thuỷ lợi đủ điều kiện thì việc tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Chính thông tin: “Ðã tổ chức tuyên truyền 5 cuộc với 234 người tham dự trong vùng khép kín ô thuỷ lợi ở 3 ấp (Tân Hoà, Tân Bửu, Tân Hiệp, xã Tân Hưng) nhưng tỷ lệ đồng tình của dân không cao”. Tại 3 ấp này Nhà nước đã đầu tư xây dựng trạm bơm hàng tỷ đồng để khép kín ô thuỷ lợi sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm nhưng người dân vẫn không đồng tình và trạm bơm vẫn phải “đắp chiếu” thêm một mùa lúa nữa".
Người nuôi tôm do đã bị thiệt hại nhiều từ vụ nuôi trước nên giờ mong muốn vớt vát chút đỉnh với vụ tôm này nên vụ lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Cái Nước năm nay chẳng khả quan gì. Nhiều năm rồi, huyện Cái Nước chưa bao giờ về đích được kế hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Vụ mùa năm 2015 cũng chỉ đạt 20-30% kế hoạch; năm nay xem ra thời tiết còn bất lợi hơn trước nên vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2016 này xem như tiếp tục "phá sản"./.
Bài và ảnh: Tâm Như