Nhằm tạo thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình và cải thiện tài chính, đã qua, có nhiều mô hình của Ðoàn Thanh niên đang được thực hiện rất hiệu quả tại huyện Năm Căn, như mô hình dèo cua giống của Phạm Bé Ân, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng.
Nhằm tạo thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình và cải thiện tài chính, đã qua, có nhiều mô hình của Ðoàn Thanh niên đang được thực hiện rất hiệu quả tại huyện Năm Căn, như mô hình dèo cua giống của Phạm Bé Ân, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng.
Sống ở nơi còn nhiều khó khăn, nhưng với mô hình dèo cua giống, nhiều thanh niên ấp Cái Trăng đã vươn lên thoát nghèo. Chỉ với vài hầm dèo cua không tốn nhiều diện tích và kinh phí, hằng tháng có thể mang lại thu nhập vài chục triệu đồng.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng gương mặt tươi sáng và đặc biệt nụ cười luôn niềm nở khi nói chuyện, anh Phạm Bé Ân, Bí thư Chi đoàn ấp Cái Trăng, cho biết: “Ðã thực hiện mô hình này từ năm 2010, khi đó xã mới chỉ có vài điểm dèo cua giống. Lúc mới bắt đầu làm chưa có kinh nghiệm nhiều, chủ yếu học hỏi những người đi trước, điều kiện kinh tế lúc đó cũng chưa cho phép nên chỉ thử nghiệm 5-6 hầm. Qua gần 6 năm, hiện tại, mình đã có 40 hầm dèo cua, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng”.
Mô hình dèo cua giống của anh Phạm Bé Ân (thứ 2 từ phải qua) tại ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, rất được nhiều người tham quan, học hỏi. |
Anh Phạm Bé Ân chia sẻ, hiện tại anh đang hợp tác cùng doanh nghiệp cua giống Hai Tiên tại huyện. Những con giống cua “mê” (là cua non khi mới nở vẫn còn đuôi như nòng nọc), được anh chọn mua từ nhiều nơi khác nhau như tại Năm Căn, Sông Ðốc… Con giống ban đầu nhập với giá 480 đồng/con, mang về dèo được 5-10 ngày sẽ cho ra cua thành phẩm như cua “điều”, cua “dưa” sẽ được bán lại với giá 500 đồng/con. Quá trình chăm sóc không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi người làm phải siêng năng chăm sóc cho bể mình luôn sạch và cho cua ăn đúng giờ.
Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại vuông nhà là con ruốc, hằng ngày, anh Bé Ân bắt và cho ăn 2 buổi, với lượng thức ăn tự nhiên nên cua giống phát triển rất nhanh.
Với hơn 40 bể dèo để luân phiên, hằng tháng, anh xuất 50.000-60.000 con cua giống, tuỳ theo loại mà khách hàng đặt. Về kỹ thuật làm hầm hay xử lý nước cũng không gặp khó khăn gì, nguồn nước được lấy thẳng từ trong vuông ra, không cần xử lý nhằm mục đích thuần cua con hợp với nguồn nước. Với công đoạn làm hầm dèo thì mỗi hầm khoảng 3 m3, sử dụng những mảnh cao su có màu sáng để cua con trắng, hợp ý khách hàng, không nên che chắn quá nhiều, chỉ nên dùng mành mỏng để che cho thông thoáng cua nhanh phát triển.
Những tháng hàng hút, việc đi thu mua cua giống để dèo gặp chút khó khăn, nhưng cũng nhờ vào những tháng đó, cua con rất có giá, có năm thuận lợi anh Bé Ân thu được gần 150 triệu đồng. Nhờ vào thương hiệu của tổ hợp tác dèo cua tại địa phương, hiện nay, cua giống của anh xuất đi nhiều địa phương khác như: Kiên Giang, Trà Vinh, đợt vừa rồi có những người tận Hà Nội vào tìm mua.
Ðoàn viên Nguyễn Thị Như, ấp Cái Trăng, cho biết: “Nhờ học hỏi từ mô hình dèo cua từ anh Ân, hiện nay gia đình em đã bớt được phần khó khăn. Gia đình em hiện chỉ có hai mẹ con nên chỉ có thể làm được 3 hầm dèo, nhưng nhờ sự động viên từ anh Ân và những anh chị khác nên chỉ một thời gian ngắn gia đình em đã khá lên, sang năm gia đình em sẽ thoát nghèo”.
Ấp Cái Trăng chỉ có 9 đoàn viên, nhưng 4 người đã đi làm xa, 5 người còn tại địa phương đều đang thực hiện mô hình dèo cua con. Anh Phạm Bé Ân chia sẻ: “Mình mong muốn mô hình này được nhân rộng đến các bạn thanh niên ở địa phương khác. Thay vì tụ tập vui chơi, mình dành chút thời gian để làm một vài hầm dèo cua, tuy chưa mang lại thu nhập cao, nhưng cũng giúp gia đình một phần nào đó giảm bớt gánh nặng về kinh tế”./.
Bài và ảnh: Khánh Phương