(CMO) Mùa mưa bão lại đến, những phương tiện chông chênh của ngư dân đánh bắt gần bờ lại tiếp tục đối mặt với hiểm nguy. Tuy vậy, với họ, chuyện chuyển đổi nghề không hề đơn giản.
Dân nghèo mưu sinh
Trở về nhà khi mới hơn 10 giờ sáng, anh Võ Chí Tâm, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, than: “Sáng nay mới ra biển, vừa thấy chuyển trời, anh em vội vã vào bờ. Mới chạy được 2-3 đục, mùa này thời tiết dông bão nguy hiểm quá”.
Quê anh Tâm ở xã Khánh Bình, vì ham mê nghề biển nên anh về đây bám trụ mưu sinh. Tới mùa ruốc anh cùng mọi người ra mé biển khai thác, hết mùa ruốc thì đi te. Những hộ có phương tiện nhỏ như anh đều sinh sống như thế mấy chục năm qua, dù mưa bão họ vẫn bám nghề.
Hàng trăm phương tiện công suất nhỏ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời không đủ điều kiện an toàn, đăng ký đăng kiểm hoạt động mùa mưa bão luôn là nỗi lo đến tính mạng của ngư dân. |
Anh Đỗ Hoàng Nam cùng xóm, chia sẻ: “Mùa mưa bão, vỏ nhỏ dễ lật lắm, nhưng biết làm sao, chỉ có nghề này, kinh doanh thì không khả quan. Khi biển động thì đi làm hồ, vác mướn, chạy xe ôm để lo cho gia đình. Chừng nào Nhà nước cấm, mình tính phương án khác. Nhà tôi đang ở cũng được cất nhờ trên đất Nhà nước. Hàng ngày ra vô đánh bắt gần bờ để sống, mình là dân nghèo, ghe lớn tốn bạc tỷ đâu có khả năng mua sắm”.
Cửa biển Đá Bạc có nhiều hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt. Trong số đó có khoảng 130 phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ. Họ không có giấy đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Họ đánh bắt theo mùa ven bờ. Mỗi ngày có khi được 5-7 triệu đồng, cũng có khi chỉ vài trăm ngàn đồng.
Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Quốc Đoàn trần tình: “Năm nào mùa mưa bão cũng có phương tiện chìm. Việc người dân ra biển không đảm bảo đủ thủ tục, không an toàn, rất nguy hiểm. Nhưng muốn chuyển đổi ngành nghề rất khó. Đã có chủ trương lâu nhưng chỉ dừng lại việc thống kê rà soát”.
Câu chuyện quản lý và chuyển đổi nghề
Nói về những phương tiện nhỏ chông chênh khai thác trên biển, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều thở dài: “Gần như 100% tàu loại này chưa đăng ký đăng kiểm và hoạt động nghề cấm. Phương tiện phát sinh không đúng theo quy hoạch, quy định. Họ sử dụng phương tiện di chuyển trên sông rồi mang lưới, chài ra biển khai thác. Đây là nghề cá truyền thống, manh mún, cha truyền con nối, là kế sinh nhai của nhiều người”.
Với đặc thù bờ biển dài, có trên 80 cửa biển, trung bình cứ cách 3 km có 1 cửa sông ăn thông ra biển, nhưng chỉ có 11 trạm kiểm soát biên phòng nên những cửa sông rạch nhỏ này chính là nơi các nhóm tàu không đủ điều kiện len lỏi ra vào. Đã qua, chính quyền địa phương còn nới lỏng vì điều kiện mưu sinh của người dân nên tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Và dĩ nhiên, nguy cơ chìm tàu trong mùa mưa bão cũng được dự báo trước.
Ông Triều cho biết thêm, nói về mặt nào đó, những chiếc vỏ máy này không nằm trong đối tượng đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Thời gian dài theo quy định các phương tiện này cấm phát sinh, chính quyền địa phương biết nhưng chưa có giải pháp quản lý. Theo quy định trước đây, tàu cá công suất dưới 20 CV chính quyền địa phương quản lý, cấp tỉnh chỉ quản lý tàu cá vùng lộng. Hiện nay, theo Luật Thuỷ sản mới, cơ quan thuỷ sản cấp tỉnh quản lý tất cả.
Một lần nữa ngành chức năng phải đặt lên bàn cân 3 vấn đề, đó là dân nghèo sinh kế, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và công tác thực thi pháp luật. Để hài hoà giữa 3 vấn đề trên, ngành chức năng ngoài việc tham mưu UBND tỉnh, trước mắt thống nhất cho những đối tượng ra biển khai thác với điều kiện bắt buộc đảm bảo an toàn, có đăng ký với chính quyền địa phương trước khi ra khai thác.
Còn về giải pháp lâu dài, Chi cục Thuỷ sản đã đề xuất UBND tỉnh tổng điều tra thuỷ sản, nắm lại toàn bộ tàu cá lớn, nhỏ. Theo đó, tính toán đến hướng chuyển nghề phù hợp, tái định cư, dịch vụ việc làm khác.
Về câu chuyện chuyển đổi ngành nghề, được biết nguồn kinh phí thực hiện không dưới 100 tỷ đồng. Đã qua, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện 10 mô hình cho 10 hộ chuyển đổi nghề từ sát hại sang ít sát hại, thân thiện hơn, đó là nghề ốc, nghề câu, lưới rê. Bước đầu đã sơ kết đánh giá, cơ bản hiệu quả.
Tuy nhiên, khó lớn nhất vẫn là kinh phí. Mỗi mô hình trung bình Nhà nước và người dân bỏ ra không dưới 200 triệu đồng, dân nghèo khó có vốn đối ứng để thực hiện./.
Hồng Nhung