ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 02:50:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khánh kiệt vùng đất khát

Báo Cà Mau Lúa thất, người dân Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh lại quay vào rừng tìm củi hầm than kiếm sống.

Những cánh đồng của các huyện thuộc vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau đang nứt nẻ vì khô cạn. Lúa không thể trổ được bông vì thiếu nước, rau màu oằn mình kêu khát. Bà con ở vùng đất này đang phải chịu đựng thêm một mùa thiếu nước sạch sinh hoạt, một vụ mùa trước mắt khó khăn…

Nuốt qua loa miếng cơm dằn bụng, ông Trần Văn Mậu, ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cùng với anh em vào ca trực đám cháy. Đoán tôi ngạc nhiên khi thấy bà con đốt đi cánh đồng lúa chưa thu hoạch, ông Mậu giải thích: “Lúa có hạt đâu mà để, chúng tôi canh nhau trực lửa để bà con đốt đồng cải tạo đất cho vụ sau”.

Vùng lúa thiếu gạo ăn

Giải thích cho việc không có chủ đất ở đó, ông Nguyễn Văn Cường (người dân trong ấp) bảo: “Thấy công sức mình bỏ ra một năm mà giờ phải đốt đi ai mà nỡ đứng nhìn, nên bỏ đi làm mướn hết rồi”. Kể về hoàn cảnh của mình, ông Cường bộc bạch: “Nhà tôi có bốn công ruộng, vụ rồi gặt mót lắm mới được hai giạ/công. Đem về phơi gió thổi bay muốn hết (vì lúa lép). Cuối cùng số lúa mót ấy chỉ có thể cho gà, vịt ăn chứ có gạo đâu mà mình ăn”.

Đất nứt nẻ, lúa trổ cờ trắng ở ruộng ông Nguyễn Hoàng Sơn, Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh.   Ảnh: TÂM NHƯ

Vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau trên 220.000 ha, chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt hơn, vùng Bắc Cà Mau được xem là vựa lúa của tỉnh, hằng năm sản xuất ra trên 400.000 tấn lương thực, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 1,2 triệu dân, mà còn tham gia xuất khẩu lúa, gạo rất lớn. Do không chủ động được nước tưới nên hạn hán đã làm cho phần lớn diện tích trồng lúa, rau màu của người dân bị thiệt hại nặng nề.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Cà Mau Trịnh Xuân Hưng cho biết: “Do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết tỉnh Cà Mau năm 2015 mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, tổng lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình hằng năm từ 20-50%. Nắng hạn đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng diện tích bị thiệt hại trên 49.000 ha. Trong đó, lúa - tôm trên 35.000 ha; lúa đông xuân trên 12.000 ha và hơn 2.000 ha lúa mùa. Địa bàn thiệt hại tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, TP Cà Mau và các huyện trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm thuộc vùng Nam Cà Mau.

Huyện nghèo U Minh, nắng hạn đã làm thiệt hại gần như hoàn toàn vụ mùa của bà con sống trong lâm phần rừng tràm. Anh Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn huyện lúa thiệt hại gần 14.000 ha, hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, ở những khu vực có rừng, đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào vụ lúa nên với thiệt hại này thì cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn”.

Khánh Lâm là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, gần 35% . Nắng hạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình thông qua vụ lúa, màu, chăn nuôi. Phó trưởng Ấp 12 Nguyễn Minh Thành cho biết: “Ở đây giờ chỉ còn người già và trẻ em ở lại giữ rừng, chứ người trong độ tuổi lao động đi Bình Dương hết rồi. Hiện tại thì chưa đói vì còn mót được chút đỉnh lúa để ăn, chứ vài bữa nữa lấy gì mà ăn”.

Toàn ấp có 210 hộ dân mà có đến trên 100 hộ là hộ nghèo. Cuộc sống chủ yếu của họ dựa vào trồng lúa để giữ rừng và chờ ngày thu hoạch rừng. Vậy mà vụ lúa này không thu hoạch được thì thử hỏi họ lấy gì ăn để mà giữ rừng. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, người có con vừa đi Bình Dương, cho biết: “Tôi với bả còn sức đâu mà đi lao động. Hai héc-ta đất nhà, mướn thêm ba héc-ta nữa nhưng vụ rồi thu hoạch được có 9 bao lúa (18 giạ), lúa vừa lên bờ thì chủ nợ đã hốt hết, rồi lấy gì ăn đây”.

Nói về kinh tế phụ nơi đây, ông Thành bộc bạch: “Có thu được gì đâu. Nước cạn cá còn sống không nổi nói chi heo, gà. Mọi năm mùa này bà con có gạo để ăn, rồi vào rừng hay xuống sông bắt cá để bán kiếm tiền tiêu xài. Hay trồng màu, chăn nuôi, cũng đỡ đần đôi chút. Giờ thì thời tiết thay đổi, cạn nước mà gia súc, gia cầm chết hàng loạt, bà con không biết dựa vào gì để sống, nợ nần vụ mùa trước còn nằm đó, lấy gì mà tái sản xuất”.

UBND tỉnh vừa có quyết định công bố thiệt hại do thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, với người nông dân ở vùng U Minh này, mức thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 2 triệu đồng/ha, chỉ có thể giải quyết được khó khăn trước mắt. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn trong vấn đề vốn để người dân kê liếp trồng tràm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để hạn chế thấp nhất rủi ro trong sản xuất, cũng như để ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, huyện U Minh Huỳnh Thanh Luôl,  trăn trở: “Đời sống bà con đang gặp nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ thiệt hại cần khẩn trương hơn. Đặc biệt với bà con sống trong lâm phần, cần có chính sách khoanh, giãn nợ của ngân hàng hoặc có sự hỗ trợ đặc thù nào đó để cuộc sống của bà con được ổn định hơn”.

Hạn đã gay gắt từ những tháng cuối năm 2015, thiệt hại của bà con thì từ đợt bão số 3 (tháng 10/2015) cho đến nay. Ngành chức năng thì đang thống kê thiệt hại, người dân thì đang heo hắt đợi chờ. Tại các đồng đất vùng ngọt hoá, nắng vẫn nóng và đất đang nứt nẻ thêm.

Hơn 10 năm "khát" nước sạch

Trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nhiều năm qua, người dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Theo thống kê, có đến 1.480 hộ hằng ngày phải chật vật tiết kiệm từng giọt nước sạch để sinh hoạt, tập trung nhiều ở các ấp: 1, 2, 3, 4, 5. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở các ấp trên đã kéo dài nhiều năm nay.

Để có nước sử dụng, gia đình chị Nguyễn Thị Đâu, Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc khoan giếng nước được hơn bảy năm nay. Thế nhưng, không riêng gia đình chị Đâu mà tất cả các giếng nước khoan ở đây chỉ sử dụng cho tắm giặt, rửa chén chứ không uống hay nấu ăn được vì nước có vị mặn. Năm nay, do thời tiết dứt mưa sớm, lượng nước mưa mà gia đình chị Đâu tích trữ đã hết, hiện nay phải đổi nước lọc để uống và nấu ăn. Tiết kiệm lắm thì gia đình chị Đâu ba ngày cũng phải đổi một bình nước lọc, mỗi bình giá 12.000 đồng. Là hộ nghèo trong ấp, ngoài tiền gạo, tiền ăn hằng ngày, gia đình chị phải thêm khoản tiền nước sạch để sử dụng vào việc ăn uống 120.000 đồng/tháng.

Dù chất lượng nước kém nhưng giếng nước khoan của gia đình chị Đâu còn có thêm ba hộ khác ở gần "xài ké". Ông Lưu Chí Đảm, Phó Trưởng Ban Nhân dân Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: “Ấp này có 181 hộ, trong đó có 65% hộ dân khoan giếng nước nhưng do mạch nước ngầm ở đây nhiễm phèn nên nước có vị chua, mặn. Bà con uống, nấu ăn thì phải tích trữ nước mưa hoặc đổi nước lọc. Ấp phản ánh lên cấp trên tình trạng này, cấp trên cũng đã xuống khảo sát nhưng hai năm nay chưa thấy có động thái gì. Mong cấp trên quan tâm, tạo điều kiện cho người dân ở đây sớm có nước sạch để sinh hoạt”.

Tuy có đường ống dẫn nước nhưng không có nước sử dụng, nên hiện nay 13/247 hộ dân ở Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc cũng trong tình cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Hằng ngày, bà Đặng Thị Nuôn phải xách nước từ dưới sông lên cho heo uống, giặt đồ thì sử dụng nước ao của nhà kế bên. Nước dưới sông hoặc nước trong ao, đìa ở đây đều bị nhiễm phèn nặng. Bà Nuôn cho biết: “Nhà tôi cũng có khoan cây nước nhưng cách đây khoảng bốn năm đã bị hư rồi. Nếu có cây nước thì nước đó cũng chỉ tắm giặt, rửa chén thôi vì nó chua, mặn, không thể nào uống hay nấu ăn được. Ao đìa của nhà thì bị khô cạn nên giờ giặt đồ phải qua nhà kế bên xin nước dưới áo lên giặt. Giặt bằng nước tẩy nhưng đến khi quần áo khô cũng bị vàng vì ở đây nước phèn lắm. Nước mưa tôi chứa đã hết, giờ phải đổi nước lọc uống”. Nước uống thì bà Nuôn đổi nước lọc, còn nước dùng để nấu ăn, tắm thì phải đi khoảng năm đến mười cây số chở về. Bà Nuôn cho biết thêm: “Đi xa như vậy nhưng không chở được nhiều vì nước dưới sông bị cạn, khó đi lắm, mỗi lần chỉ chở được khoảng 0,5 khối thôi, giá 6.000 đồng/khối, nhiều khi đi chở còn không có nước nữa. Nước chở về nấu ăn, tắm cho cháu ngoại chứ vợ chồng tôi còn phải tắm nước sông. Nước sông bị phèn, lúc tắm vô mắt bị xốn hoài, lúc nào cũng có thuốc nhỏ mắt trong nhà. Nhiều năm nay không có nước sạch để xài khổ lắm!”. 

Anh Huỳnh Văn Phúc, cùng ấp với bà Nuôn, cho biết: “Khoảng hai năm nay gia đình có vô đồng hồ nước, xài được khoảng năm, sáu tháng, từ đó đến nay không có nước nữa. Giờ phải đi hơn ba cây số để chở nước về nấu ăn, tắm giặt, mỗi lần đi như vậy chở được ba thùng, mỗi thùng 60 lít, xài trong ngày hết, tiếp tục qua ngày hôm sau đi chở nữa. Còn uống phải đổi nước lọc dưới ghe hàng”.

 Được biết, tình trạng thiếu nước sạch của người dân các ấp nói trên đã kéo dài hơn 10 năm nay. Mặc dù cuộc sống phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nhất hiện nay của người dân nơi đây là tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Toàn xã có 13 ấp nhưng chỉ có ba trạm bơm nước, vì vậy không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sạch cho bà con. Thời gian qua, UBND xã đã kiến nghị với ngành chức năng nâng cấp trạm bơm Ấp 1 và Ấp 3. Riêng trạm bơm nước Ấp 1 đang trong quá trình nâng cấp nên 13 hộ dân trong ấp hiện không có nước sạch sinh hoạt. Còn ở Ấp 4 và Ấp 5 thì người dân chủ yếu sử dụng nước bằng giếng khoan, nhưng nước bị nhiễm phèn nặng nên phải lóng, sau đó mới sử dụng cho tắm giặt được, còn nấu ăn phải đi mua từ nơi khác về”.

Sử dụng nước không hợp vệ sinh về lâu dài sẽ phát sinh nhiều loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Mong rằng các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư, nâng cấp các trạm bơm nước trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời để sớm “giải cơn khát” nước sạch cho người dân nơi đây./.

Phóng sự của Tâm Như - Anh Thư

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).