“Sớm giờ tôi tranh thủ cắt rau muống, mồng tơi, cải xà lách giao cho thương lái. Hơn 11 giờ mới vô tới nhà nấu cơm và chuẩn bị cho con trai út đi học mẫu giáo”, vừa nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chị Huỳnh Thị Bình (người dân tộc Khmer ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vừa tiếp chuyện với chúng tôi. Công việc vất vả nhưng trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười.
“Sớm giờ tôi tranh thủ cắt rau muống, mồng tơi, cải xà lách giao cho thương lái. Hơn 11 giờ mới vô tới nhà nấu cơm và chuẩn bị cho con trai út đi học mẫu giáo”, vừa nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chị Huỳnh Thị Bình (người dân tộc Khmer ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vừa tiếp chuyện với chúng tôi. Công việc vất vả nhưng trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười.
Chị cho biết, mấy tháng trồng màu (bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4), công việc nhiều, vất vả nhưng bù lại thu nhập khá vì rau, cải bán được giá, nên dù có cực vẫn thấy vui.
Ngày mới của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng, chị thức, đèn pin đội trên đầu, tay thoăn thoắt nhổ cải, cắt rau. 6 giờ sáng, sau khi bán hết rau, cải cho thương lái đặt trước đó, chị lại xới đất, bẻ đậu và hơn 11 giờ, bữa cơm sáng của gia đình mới bắt đầu. Chồng chị, anh Danh Văn Tiên, bảo: “Cô ấy rất tham công tiếc việc, những tháng mùa lúa thì đỡ nhưng khi vào vụ trồng màu mỗi đêm chỉ ngủ hơn 4 tiếng đồng hồ, có lúc phải làm mặt giận, vợ tôi mới chịu nghỉ”.
Nhờ trồng đậu xanh trên đất ruộng, gia đình chị Huỳnh Thị Bình thoát nghèo, vươn lên khá giàu. |
Lập gia đình 19 năm (năm 1997), chị đã có 13 năm cùng chồng thay phiên chăm sóc cha mẹ chồng bị bệnh tai biến. Sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo khó, dường như điều đó đã rèn cho chị đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Ngày về nhà chồng làm dâu, tài sản lớn nhất của gia đình chồng là 4 công đất ruộng. Ấy vậy mà chỉ qua 2 vụ lúa, 4 công đất ruộng phải cầm cố để lấy tiền trị bệnh tai biến cho mẹ chồng. Hằng ngày, vợ chồng chị phải đi vào Nông trường Khánh Hà gặt thuê, cấy lúa, đào đất mướn lấy tiền đong gạo. 2 người làm nuôi 7 miệng ăn, ai nhìn vào gia cảnh của anh chị cũng không khỏi chạnh lòng, ái ngại. Nuôi mẹ chồng gần 6 năm thì bà mất, cha chồng buồn sinh bệnh tai biến, chị và chồng lại thay phiên nhau chăm sóc. Người đi làm thuê kiếm tiền đong gạo, người ở nhà đút cơm, đút thuốc và chăm sóc 5 trẻ nhỏ, đứa bé nhất 1 tuổi và lớn nhất dưới 10 tuổi.
Chị Bình tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình ngày trước khổ lắm. Anh chị em bên chồng đông nhưng ai cũng nghèo phải đi làm ăn xa, vợ chồng tôi phải nuôi 4 đứa cháu chồng dưới 10 tuổi và đứa con trai đầu lòng hơn 1 tuổi. Trong nhà có 5 đứa con nít, khách lạ đến nhà người ta nói tôi sao mới nhiêu tuổi mà sanh con đông quá, lúc đó khổ quá tôi cũng không giải thích gì, giờ nhắc lại cũng thấy vui”.
Không cam chịu khổ cực và đói nghèo, vợ chồng chị tìm ra hướng làm ăn phát triển kinh tế phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Ban đầu là thuê lại 4 công đất ruộng đã cố trước đó trồng 2 vụ lúa, 1 vụ đậu xanh/năm. Ngoài ra, chị còn đặt rượu, nuôi heo, tận dụng ao lạn, bờ liếp trồng thêm rau màu... “Trời không phụ lòng người, tụi tui làm đâu đặng đó nên không bao lâu gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định”, chị Bình bồi hồi nhớ lại.
Chị Nguyễn Trúc Ly, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Bình Tây, tấm tắc: “Ðiều đáng quý, đáng trân trọng ở gia đình chị Huỳnh Thị Bình đó chính là vẹn tròn chữ hiếu, đồng cam cộng khổ để cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Và đặc biệt, gia đình chị còn là những điển hình tiêu biểu để trong những lần sinh hoạt hội, chị em hội viên cùng nhau tuyên dương, khen ngợi và học tập”.
Cười thật tươi, chị Bình chia sẻ, vui nhất là những lần sinh hoạt hội, chị em trong xóm có điều kiện gặp nhau chia sẻ những chuyện vui, chuyện buồn, rồi cả chuyện giúp nhau bằng vốn nội lực, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, vịt… Ðó cũng là niềm vui để vợ chồng chị động viên nhau những lúc khó khăn. Cùng với số tiền tích góp, cộng với nguồn vốn vay do hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, gia đình chị đã có cơ hội chuộc lại 4 công đất. “Tích tiểu thành đại” dần dần vợ chồng chị đã đầu tư mua hơn 1 ha đất nông nghiệp. Và mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ đậu/năm, trồng hoa màu, chăn nuôi… đã được duy trì hơn 6 năm qua. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch hơn 15 tấn lúa, 2 tấn đậu xanh, xuất chuồng hơn 1 tấn heo thịt, hơn 30 con heo giống... Bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị còn lãi hơn 80 triệu đồng. Ngoài ra, chị mua xuồng máy, máy cày chét, mua xe máy, mua sắm tiện nghi trong gia đình.
“Bây giờ không còn lo cái ăn, cái mặc nữa, vợ chồng tôi tập trung nuôi 3 đứa con được học hành đến nơi đến chốn, nhất là thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của con trai lớn Danh Văn Tiền”, anh Tiên chia sẻ.
Nói về những dự tính trong tương lai, chị Bình bộc bạch, ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị sẽ vận động nhiều chị em người dân tộc cùng tham gia sinh hoạt hội. Bởi hơn ai hết chị hiểu những vất vả, thiệt thòi của chị em trong việc phát triển kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội. “Hy vọng từ việc tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, đời sống vật chất, tinh thần của chị em hội viên, nhất là chị em người dân tộc, ngày càng được nâng cao”, chị Bình phấn khởi.
“Với những địa phương còn khó khăn như Khánh Bình Tây thì tinh thần lao động, mô hình kinh tế cho thu nhập cao như gia đình chị Huỳnh Thị Bình có ý nghĩa lớn và là tấm gương cho phụ nữ nói riêng và các hộ dân người dân tộc nói chung học tập noi theo, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo”, chị Nguyễn Trúc Ly khẳng định./.
Bài và ảnh: Thanh Phương