(CMO) Với khoảng 4,8 km đường bờ biển, phần lớn người dân xã ven biển Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời làm nghề khai thác thuỷ sản. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, như thành lập HTX , THT đồng quản lý... vừa nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong ngư dân.
Có điều kiện phát triển kinh tế biển nên những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp cùng với ngành chức năng triển khai nhiều dự án, giải pháp nhằm phát huy lợi thế, nâng đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khai thác thuỷ sản kết hợp với bảo vệ nguồn lợi đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản ven bờ là điều kiện khó khăn mà xã Khánh Bình Tây Bắc cần giải quyết, bởi kinh tế đóng vai trò rất quan trọng của địa phương.
Ngư dân tại cửa biển Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc đa số làm nghề ốc mực, ít ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản. |
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn cho biết: “Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân đánh bắt xa bờ, không khai thác theo kiểu tận diệt. Đồng thời, thành lập HTX và tổ đồng quản lý (bao gồm ngư dân xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc) nhằm khai thác hiệu quả cũng như ngăn chặn hành vi khai thác trái phép”.
Ông Trần Quốc Danh, ấp Mũi Tràm, cho biết: “Mặc dù HTX chưa chính thức hoạt động do còn cần một số thủ tục pháp lý nhưng đây là giải pháp tốt để người dân chúng tôi cùng nhau khai thác và bảo vệ nguồn lợi. Khi HTX hoạt động, chúng tôi có thể thuê diện tích mặt nước, khi đến mùa thì khai thác theo đúng quy định của pháp luật”.
“Việc thành lập HTX là cần thiết để việc khai thác hải sản của ngư dân được ổn định. Khi ấy, HTX được thuê diện tích mặt nước để khai thác hải sản hợp lý, tránh được tình trạng khai thác theo kiểu huỷ diệt làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đây cũng chính là điều kiện để nâng cao đời sống của ngư dân bởi những thành viên HTX đều là người địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã”, ông Bùi Chí Ngạn cho biết.
Không chỉ thành lập HTX khai thác ven bờ, hiện ngành chức năng đã thực hiện dự án thả san hô nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ, trong đó có nhiều khu vực gần bờ đi qua địa phận xã. Nhiều ngư dân đã tham gia vào tổ đồng quản lý nhằm vừa bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn lợi mà những rạn san hộ này mang lại trong thời gian tới. Đây là dự án nhận được sự đồng thuận lớn từ ngư dân địa phương bởi nó tác động trực tiếp vào lợi ích của chính họ.
Ông Trương Văn Sấm, ấp Mũi Tràm B, nói: “Tôi cũng có làm nghề lú nhưng những năm gần đây thì hiệu quả khai thác rất thấp do nguồn hải sản ngày một giảm mà hiện mình đã tham gia tổ đồng quản lý nên đã tính đến việc ngừng không làm lú nữa. Gia đình có một số tàu hành nghề ốc mực nên duy trì nghề này do đây là mô hình ít gây ảnh hưởng đến nguồn lợi. Sau này sẽ tính đến hoạt động khai thác cũng như làm dịch vụ khi mô hình thả rạn san hô phát huy hiệu quả”.
Ông Trương Văn Sấm, ấp Mũi Tràm B, nói: “Các thành viên tổ đồng quản lý thời gian qua đã cùng với ngành chức năng vận chuyển rạn san hô đến địa điểm thả cũng như thực hiện việc bảo vệ để nó có thể tái tạo nguồn lợi hải sản. Những thành viên tổ đồng quản lý có thể khai thác theo đúng quy định nguồn lợi hải sản mà các rạn san hô mang lại đồng thời với đó là bảo vệ, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép”.
Ông Bùi Chí Ngạn thông tin thêm: “Mô hình tổ đồng quản lý này là hướng đi hợp lý bởi nó tạo điều kiện để ngư dân địa phương có thể khai thác và tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Các tổ viên sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, truy bắt và xử lý những hành vi vi phạm trong việc khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định. Khi nhận thấy quyền lợi của mình từ dự án thì họ sẽ tích cực bảo vệ”.
Để phát huy hiệu quả các dự án, mô hình đã được triển khai, ông Bùi Chí Ngạn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ các rạn san hô. Bên cạnh đó là khuyến khích và tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề, giảm số lượng tàu thuyền công suất nhỏ nhằm giảm cường độ khai thác ven bờ, đồng thời phối hợp với ngành chức năng giám sát hoạt động khai thác thuỷ sản của ngư dân, nhất là khai thác ven bờ”./.
Đặng Duẩn