Nhiều năm là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Phận, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước đã tiếp thu, ứng dụng kỹ thuật nuôi cá bống tượng, cá chình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Phận còn áp dụng công nghệ phun nước tự động vào việc trồng rau má trên đất vườn tạp. Nhờ thế, vườn rau má 100 m2 thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/tháng, nay tăng 300 m2, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng.
Nhiều năm là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Phận, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước đã tiếp thu, ứng dụng kỹ thuật nuôi cá bống tượng, cá chình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Phận còn áp dụng công nghệ phun nước tự động vào việc trồng rau má trên đất vườn tạp. Nhờ thế, vườn rau má 100 m2 thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/tháng, nay tăng 300 m2, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng.
Ông Phận cho biết: “Qua ti-vi thấy nông dân trên thế giới áp dụng phun nước tự động trong trồng rau màu nên tôi quyết định đưa công nghệ này vào vườn rau má của mình. Từ đó, lượng nước phun được tiết kiệm hơn, đều hơn, làm tăng độ ẩm cho đất, giúp rau phát triển tốt hơn và tăng dần sản lượng qua từng tháng. Theo đó, chăm sóc vườn rau khoẻ hơn, chỉ cần điều khiển công tắc 7-10 phút phun”.
Ông Nghiêm Phước Hùng đang chăm sóc thanh long trên bờ vuông. |
Còn ông Nghiêm Phước Hùng, ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước thì “nâng cấp” vườn thanh long ruột đỏ 300 gốc của mình thêm 1.000 gốc/ha đất nuôi tôm. Nhiều nông dân thấy và cho rằng cách làm trên là việc làm “rảnh tay”, bởi nhiều nông dân đã thực hiện mô hình này cũng chỉ trên bờ vuông và vườn tạp, còn ông Hùng phải bỏ công thuê mướn từng mô đất ruộng để trồng, vừa tốn tiền của, vừa không khả thi. Nhưng ông Hùng rất sáng tạo khi làm hệ thống ống dẫn nước ngọt nhỏ giọt giúp thanh long phát triển tốt.
Ông Hùng cho biết: “Chi phí trồng 1.000 gốc là 180 triệu đồng, chỉ tốn công chăm sóc, tưới nước những tháng nắng, còn những tháng mưa thì không cần. Ðến nay, có 500 gốc dưới vuông tôm (hình thức đắp từng mô đất cao dưới vuông) đã cho trái”.
Góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ðiểm lại các mô hình kinh tế gia đình của nông dân trong tỉnh trong nhiều năm qua có thể nói, sự quyết đoán đầu tư cho mô hình của mình thêm quy mô hơn, tốn kém hơn, vượt qua khó khăn khi tìm đầu ra nông sản.
Ông Nghiêm Phước Hùng cho biết: “Do cặp Quốc lộ 1 nên đầu ra rất thuận tiện, người dân trong huyện đi qua tự vào bẻ và cân, các thương lái từ Năm Căn, Ngọc Hiển, Sông Ðốc… cũng đến tận nơi cân. Do chất lượng ngon, ngọt nên giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, thanh long vẫn không đủ bán”. Ông Hùng hạch toán: “Nếu trong 3 năm, vườn thanh long cho trái đúng sức thì mỗi năm 1.300 gốc ít nhất phải thu về 500 triệu đồng và chỉ tốn công bón phân, tỉa cành. Sẽ an nhàn, bền vững và đỡ lo hơn nuôi tôm công nghiệp nhiều”.
Cùng triết lý trên, ông Nguyễn Văn Phận cũng tự tin đầu tư hệ thống tưới nước tự động vào vườn rau của mình, bởi rau má đã được bạn hàng thu mua với số lượng lớn. Theo đó, ông còn dẫn mối cho nhiều nông dân trong ấp có diện tích trồng nhỏ lẻ bán cho thương lái, góp phần tăng thu nhập cho nhiều nông dân trồng rau má trong ấp.
“Trong nhiều năm qua, những nông dân trên đã làm chủ hàng hoá của mình, biết điều tiết lượng sản phẩm bán ra trong từng thời điểm cũng như tận dụng địa thế, điều kiện thuận lợi của đất đai tại địa phương để chủ động trong sản xuất theo cung, cầu của thị trường. Qua đây, càng chứng tỏ không những người nông dân tiên phong này chỉ sống vững chắc trên mô hình của mình mà còn làm giàu, tiên phong trong các phong trào, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến khẳng định./.
Bài và ảnh: Thế Lữ