Huyện Trần Văn Thời là địa phương nuôi cá bổi nhiều nhất trong tỉnh, tập trung ở các xã: Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời. Nghề làm khô bổi và sản phẩm cá khô bổi từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương. Hiện các cơ sở chế biến khô đang nhộn nhịp sản xuất cung cấp cho thị trường Tết.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương nuôi cá bổi nhiều nhất trong tỉnh, tập trung ở các xã: Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời. Nghề làm khô bổi và sản phẩm cá khô bổi từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương. Hiện các cơ sở chế biến khô đang nhộn nhịp sản xuất cung cấp cho thị trường Tết.
Khu vực ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây từ lâu được biết đến với nghề làm khô cá bổi với gần 20 hộ dân tham gia. Những ngày cận Tết, cả làng nghề nhộn nhịp hẳn lên với hơn 100 nhân công tất bật làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Trên 40 năm làm khô bổi, ông Trần Quốc Việt cho biết, mỗi ngày ông xuất khoảng 400 kg cá khô đi các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ…
Bà con xã Trần Hợi đang tất bật làm cá khô bổi phục vụ thị trường Tết. |
Ðể có 1 kg cá khô cần khoảng 2-2,2 kg cá tươi. Nói về kinh nghiệm làm khô bổi, ông Việt chia sẻ: “Muốn có khô bổi hấp dẫn, mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, người làm phải có kinh nghiệm từ khâu chọn, làm cá, ướp cá cho đến phơi”. Nguồn cá nguyên liệu ngoài mua trong dân trên địa bàn huyện ông còn nhập thêm từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ…
Giá cá năm nay giảm nhẹ so với năm trước. Nếu như năm trước cá loại 20 con/kg có giá 130.000 đồng/kg thì nay còn 90.000 đồng; loại 7 con/kg có giá 280.000 đồng/kg, nay giảm còn 230.000 đồng. Bên cạnh việc cung cấp cá khô cho thị trường Tết, mỗi ngày gia đình ông Việt còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động nhàn rỗi của địa phương, mỗi lao động được trả từ 50.000-80.000 đồng tuỳ theo lượng cá làm được.
Tuy nhiên, trong khi những cơ sở làm khô tất bật thì những nông dân nuôi cá bổi lại ngậm ngùi cho vụ thu hoạch vừa qua bởi giá cá bổi tươi giảm mạnh.
Xã Trần Hợi có gần 80 ha nuôi cá bổi, khoảng 120 hộ nuôi với sản lượng từ 12-15 tấn/ha. So với mọi năm, năm nay giá cá giảm trung bình 12.000-15.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, cho biết: “Vào thời điểm cận Tết năm trước, giá cá bổi khoảng 53.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá chỉ còn 33.000-35.000 đồng/kg. Theo dự báo, giá cá bổi tươi có thể còn giảm nữa làm cho nhiều nông dân bức xúc khi họ bán cá tươi với giá thấp nhưng lại phải mua cá khô với giá cao”.
Giá cá bổi thương phẩm giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng cao làm cho những người nuôi cá bổi năm nay chỉ có thể phá huề. Ông Phạm Thanh Bình, ấp 1, xã Trần Hợi, cho biết, nếu như giá cá bằng năm trước thì ông sẽ lãi trên 100 triệu đồng với diện tích nuôi gần 2.000 mét vuông. Mỗi vụ cá nuôi 6 tháng thì thu hoạch, nhưng năm nay do chờ giá mà ông nuôi 9 tháng mới thu hoạch, mỗi ngày phải mất 3 bao thức ăn với chi phí trên 1,5 triệu đồng nên chỉ có thể huề vốn. Thời điểm ông thu hoạch cá bán với giá 32.000 đồng/kg.
Ông Bình chia sẻ: “Do không biết kỹ thuật làm khô nên nông dân phải chịu bị ép giá. Giá cá bổi tươi giảm mạnh trong khi giá cá bổi khô không giảm. Nhiều nông dân nuôi cá bổi rất bức xúc khi phải bán cá tươi với giá thấp trong khi phải mua lại cá bổi khô với giá cao. Hiện rất nhiều nông dân mong muốn biết được kỹ thuật làm khô để chủ động hơn trong việc tìm đầu ra của con cá do mình nuôi”.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Cá bổi được đánh giá là một trong những loại nông sản chủ lực vùng ngọt hoá của huyện. Ðịa bàn huyện hiện có trên 270 ha nuôi cá bổi. Là loại cá dễ nuôi, ít dịch bệnh, 3 năm gần đây cá bổi đang chiếm lĩnh thị trường và diện tích ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, do diện tích nuôi cá bổi ngày càng tăng cộng với việc lượng cá từ các tỉnh khác nhập về nhiều làm cho cung vượt cầu nên giá cá bổi tươi giảm mạnh. Năm nay hầu hết bà con nuôi cá bổi không lãi, có hộ còn lỗ vốn”./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng