(CMO) Theo hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa thì thời điểm gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm đã cận kề. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, dù nông dân đã chủ động rửa mặn.
Thiếu nước rửa mặn
Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa trên đất nuôi năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo cấy khoảng 40.000 ha lúa ở những địa phương có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, chủ động tháo rửa mặn ngay từ đầu vụ và giữ ngọt đến cuối vụ. Tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và một phần diện tích của huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau.
Nắng nóng liên tục khiến mạ kém phát triển. |
Theo bà con nông dân cho biết, khá bất ngờ trước diễn biến khó lường của thời tiết năm nay. Khi thấy mưa dầm, nhiều hộ đã rút nước khô đầm để rửa mặn, nhưng mấy ngày nay phải treo đầm chờ mưa, nguy cơ độ pH bị sụt giảm nếu tiếp tục có nắng nóng trong những ngày tới.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, ông Quách Văn Sớm, Ấp 1, xã Khánh Lâm, cho biết: “Để chủ động cho vụ lúa trên đất nuôi tôm, tôi đã đón mưa rửa mặn khi có mưa dầm thời gian qua. Tuy nhiên, do mấy ngày nay mưa ít trở lại nên không thể rửa mặn. Tôi vừa đo độ mặn trong vuông tôm còn gần 10%o. Nếu những ngày tới lượng mưa ít thì việc rửa mặn tiếp tục sẽ gặp khó. Mạ thì đã gieo xong, được hơn 1 tuần nay rồi”.
Ông Nguyễn Văn Học, Ấp 1, xã Khánh Lâm, bộc bạch: “Làm ruộng mấy chục năm nay rồi giờ chuyển qua làm vụ lúa - vụ tôm, tôi chưa thấy năm nào thời tiết khó làm ăn như năm nay. Đầu vụ độ mặn trong vuông tôm khá cao, được mấy ngày mưa dầm thì nay nắng nóng liên tục trở lại. Đám mạ của tôi nay đã gieo được hơn nửa tháng rồi, nhưng gặp đợt nắng nóng này phải kéo nước ra tưới. Nhờ vậy mà mạ vẫn còn tốt. Nhưng nếu tình hình mưa ít như thế này thì tôi e là lúc mạ già, nhưng vuông tôm có thể chưa kịp rửa mặn xong để cấy”.
Hơn một tháng qua, nhiều nông dân trong tỉnh tranh thủ lượng mưa để rửa mặn cải tạo mặt ruộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đợt hạn mặn của năm 2019-2020, khiến độ mặn trong vuông tôm có nơi lên đến hơn 40%o nên khâu rửa mặn của người dân gặp rất nhiều bất lợi. Nhất là trong những ngày qua, nắng nóng cục bộ xuất hiện liên tục, nên nhiều hộ dân đang rất lo lắng. Mặc dù có nước tại các tuyến kênh, tuy nhiên độ mặn còn khá cao, nhiều nơi bị nhiễm phèn, nếu không có mưa người dân cũng không thể lấy nước từ kênh vào vuông nuôi, đành treo đầm chờ mưa xuống.
Điều chỉnh lịch thời vụ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện U Minh đã có công văn hoả tốc chỉ đạo các ngành có liên quan tiến hành điều chỉnh khung lịch thời vụ sát với tình hình thực tế. Theo đó, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay sẽ lùi lại trễ hơn so với kế hoạch nửa tháng. Khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra độ mặn trên ruộng giảm còn 5-7%o mới bố trí gieo mạ nhằm tránh trường hợp độ mặn trên ruộng còn quá cao, kéo dài thời gian, làm mạ quá già sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cây lúa sau khi cấy.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh Phạm Văn Sóng cho biết: “Kế hoạch xuống giống lúa trên đất nuôi tôm năm nay trên địa bàn huyện khó hoàn thành. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, những tháng đầu năm lượng mưa ít làm cho việc tháo rửa phèn mặn gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo, đến khoảng gần giữa tháng 9, đầu tháng 10 lượng mưa mới tập trung nhiều thì đã trễ vụ. Mặt khác, nắng hạn kéo dài làm cho việc gieo mạ trên đất nuôi tôm gặp nhiều trở ngại. Việc thiếu mạ để gieo cấy trên diện tích lúa - tôm hiện nay là phổ biến”.
Kỹ sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện U Minh, cho biết: “Hiện nay, một số xã vùng ngọt trên địa bàn huyện U Minh đã chủ động chuẩn bị vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua, nên hiện tại độ mặn trong vuông tôm của bà con còn khá cao. Để đảm bảo sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả, người dân cần tuyệt đối tuân thủ việc rửa mặn trước khi gieo cấy, hoặc sạ, độ mặn trong vuông tôm phải đạt dưới 2%o trước 10-15 ngày khi gieo cấy. Thời gian thích hợp để sạ là trung tuần tháng 9. Còn cấy là đầu tháng 10 đến giữa tháng 10/2020”.
Ngoài việc rửa mặn, ngành chuyên môn đặc biệt lưu ý đến người dân khâu chọn giống sản xuất. Người dân cần chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày (như một bụi đỏ, một bụi lùn...) sang các giống lúa cao sản ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 95-100 ngày) rút ngắn thời vụ thu hoạch lúa tôm, tránh thiệt hại do xâm mặn cuối vụ.
Kỹ sư Phạm Thanh Tùng khuyến cáo: “Để đảm bảo vụ mùa đạt hiệu quả, đặc biệt là tránh được ảnh hưởng của xâm nhập mặn hoặc mưa trái mùa có thể xảy ra vào cuối vụ, khuyến cáo bà con nên chọn những giống lúa ngắn ngày canh tác để làm sao có thể thu hoạch càng sớm càng tốt. Đối với cấy nên chọn Một bụi đỏ hoặc ST20, ST24. Còn đối với sạ nên chọn các giống OM18, OM5451, Cà Mau 1, Cà Mau 3, OM 2517, Lúa lai BTE1… Người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, trước khi cấy hoặc sạ nên đợi có đợt mưa dầm để xuống giống nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.
Qua nhiều năm chuyển dịch mô hình tôm - lúa được đánh giá là bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do không chủ động về lượng nước nên một số nơi chưa thực hiện được mô hình này./.
Trung Đỉnh - Trần Chương