(CMO) Cơ sở hạ tầng các cảng còn hạn chế, thói quen khai thác và buôn bán, khả năng ghi chép nhật ký hành trình còn lúng túng và cả sự phối hợp của các cơ quan có liên quan đôi lúc chưa chặt chẽ... là những nguyên nhân khiến công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn hạn chế.
Truy xuất nguồn gốc thuỷ sản là một trong những yếu tố quan trọng trong khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo hoặc khai báo không đúng quy định. Biết là vậy nhưng việc xác nhận nguồn gốc thuỷ sản cũng như cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản cho doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Với đội tàu hơn 4.472 phương tiện mà đến hết tháng 9, ban quản lý các cảng cá chỉ mới cấp 5 giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Chi cục Thuỷ sản cũng chỉ mới cấp 17 giấy. Về mặt sản lượng, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng về khai thác đã có 196.135 tấn thuỷ sản các loại cung cấp cho thị trường, nhưng cả cảng cá và Chi cục Thuỷ sản chỉ mới xác nhận được nguồn gốc hơn 1.300 tấn. Điều này cho thấy, khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thuỷ sản hiện nay vô cùng lớn, cần có giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, cơ sở hạ tầng cho đến doanh nghiệp và quan trọng nhất chính là ý thức của ngư dân.
Cơ sở thu mua và chế biến tôm khô của HTX tôm khô Rạch Gốc mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn tôm từ khai thác biển. |
Một trong những giải pháp quan trọng được xác định là công tác tuyên truyền. Theo đó, công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức thích hợp hơn. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều, cần tổ chức họp các doanh nghiệp chế biến, chủ tàu khai thác, tàu thu mua để tuyên truyền trực tiếp và cam kết thực hiện đúng quy định về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản, không thu mua hải sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến công tác xác nhận nguồn gốc thuỷ sản gặp khó khăn là do việc ghi chép nhật ký của thuyền trưởng còn quá sơ sài. Do đó, để việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản được thuận tiện cần có biện pháp mạnh hơn. Trong đó, ban quản lý cảng cá, tàu thu mua chỉ được mua hải sản khi tàu khai thác có nhật lý khai thác đúng quy định và phải sao chụp lại nội dung nhật ký. Riêng đối với tàu thu mua phải cập cảng để bốc dỡ hàng hoá hoặc khai báo và được sự đồng ý của ban quản lý cảng cá, văn phòng IUU trước khi về bến bốc dỡ hàng hoá.
Việc về bến bốc dỡ hàng hoá không chỉ là giải pháp giảm áp lực quá tải tại các cảng cá chỉ định hiện nay và cũng là giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh có Công văn số 9014/UBND-NNTN, ngày 4/12/2019, thống nhất cho doanh nghiệp bốc dỡ hàng hoá tại cơ sở. Tuy nhiên, công văn nêu rõ, tàu phải cập cảng chỉ định khai báo đầy đủ thông tin, nộp hồ sơ cho ban quản lý cảng cá và văn phòng IUU kiểm tra, có sự thống nhất của hai đơn vị này mới được về bến bốc dỡ hàng hoá. Sau khi bốc dỡ xong phải đến cảng đối chiếu sản lượng, thành phần loài và nhận lại hồ sơ, thủ tục được cấp.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, theo ông Triều, một việc hết sức quan trọng là công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Riêng lĩnh vực khai thác thuỷ sản, hiện nay tỉnh đã có Đội kiểm tra liên ngành 335, đội thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thuỷ sản. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, khu vực tàu neo đậu, ngoài cửa biển, trên biển. “Việc kiểm tra, kiểm soát này không chỉ để quản lý chặt mọi hoạt động của tàu cá khi ra vào cửa biển, từ đó kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là trong việc ghi chép nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đăng kiểm, giấy phép hoạt động khai thác…”, ông Triều cho biết.
Rõ ràng, để đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc một lô hàng thuỷ sản khai thác nếu chỉ có sự nỗ lực của cơ quan quản lý là chưa đủ, mà quan trọng hơn hết chính là ý thức của chính ngư dân. Chỉ khi ngư dân ý thức và chủ động trong việc ghi chép nhật ký khai thác, giấy phép hoạt động khai thác, đăng ký, đăng kiểm… thì việc xác nhận nguồn gốc thuỷ sản mới thuận lợi như mong muốn./.
Nguyễn Phú