(CMO) Huyện Cái Nước là một trong những địa phương thực hiện trồng lúa trên đất nuôi tôm sớm trong tỉnh. Mặc dù nhiều năm qua bị ảnh hưởng rất lớn do nắng hạn, xâm mặn dẫn đến hiệu quả chưa cao, song, với điều kiện thuận lợi do lượng mưa đều từ đầu năm đến nay, nhiều nông dân nhận định, vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ mang lại hiệu quả.
"Đất nào có gốc rạ sau vụ thu hoạch lúa thì chắc chắn trúng thêm vụ tôm, điều đó không phải bàn cãi gì hết, nông dân chúng tôi đã theo dõi 4-5 năm nay rồi", Trưởng ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú Trương Minh Luân cho biết.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2017 huyện Cái Nước được tỉnh giao thực hiện 500 ha, Phòng NN&PTNT huyện phân bổ cho xã Thạnh Phú và Phú Hưng và một phần xã Đông Hưng.
Đoàn cán bộ huyện Cái Nước đang kiểm tra công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. |
Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: “Qua vận động người dân đồng tình cao và tích cực chuẩn bị bơm tát nước, rửa mặn. Theo phản hồi thông tin từ người dân thì độ mặn trong vuông hiện nay đã xuống thấp, điều kiện thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay thuận lợi hơn so với năm 2016”.
Nông dân Nguyễn Văn Triều, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú đã bơm cạn mặt ruộng hơn 1 tuần qua, đất đã nứt chân chim, với quyết tâm cao nhất cho vụ lúa năm nay. Năm vừa qua khâu cải tạo của ông chưa tốt nên 4 công đất chỉ được hơn 20 giạ lúa. Ông cho biết, vụ rồi cũng bơm tát, rửa mặn nhưng không phơi được mặt đầm triệt để nên lúa không phát triển tốt. Năm nay quyết tâm ăn chắc vụ lúa này, bây giờ tới tháng 9 chỉ hứng nước mưa vào vuông tôm, không lấy nước mặn ngoài sông vào nữa.
Theo nhận định của UBND xã Thạnh Phú, năm nay những hộ thực hiện mô hình tôm - lúa năm 2016 ở ấp Trần Độ và Sở Tại sẽ tiếp tục xuống giống 100%, vượt chỉ tiêu 250 ha Phòng NN&PTNT huyện giao.
Để vụ lúa trên đất nuôi tôm cho hiệu quả cao, Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo cho UBND các xã, đặc biệt là ban chỉ đạo sản xuất tích cực vận động người dân tuân thủ việc bơm tát nước, cắt vụ tôm và thực hiện gieo sạ đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày đã khuyến cáo.
Theo đó, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức liên kết trong sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa - tôm như: sử dụng giống lúa ngắn ngày, thời vụ sản xuất, cải tạo mặn, quản lý nước, bón phân và quản lý sâu bệnh; xác định những vùng bị xâm mặn nhiều, vùng nhiễm mặn ít, vùng chậm nhiễm, vùng mặn nhanh để khuyến cáo chính quyền địa phương và nông dân bố trí sản xuất gieo cấy lúa cho phù hợp, rà soát hệ thống thuỷ lợi, gia cố bờ bao, bờ cống, đập, nạo vét hệ thống kinh mương nội đồng để ngăn mặn giữ ngọt trong mùa mưa nhằm chủ động sản xuất đạt hiệu quả cao…
Hoàng Diệu
“Theo kế hoạch sản xuất lúa - tôm của Sở NN&PTNT, diện tích sản xuất lúa -tôm năm 2017 là 48.260 ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống lúa “A” có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn như: OM 2517, CXT 30, OM 6677, GKG; những vùng độ mặn thấp đủ điều kiện sử dụng nhóm lúa chất lượng như: OM 5451, OM 6162, RVT, Dai Thum 8, ST5, ST20, Camau 1, Camau 2,...; mở rộng diện tích áp dụng biện pháp sạ rút ngắn thời vụ, kết thúc sớm vụ lúa để tránh thiệt hại”. |