Sau thời gian vắng bóng trên đồng đất Phú Tân, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình khôi phục vườn dừa ở quy mô nhỏ. Bước đầu, bà con đã thực hiện có hiệu quả việc ngọt hoá trên diện tích nhỏ để trồng dừa, tăng thu nhập từ trái dừa. Tuy ít, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hoá sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau thời gian vắng bóng trên đồng đất Phú Tân, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình khôi phục vườn dừa ở quy mô nhỏ. Bước đầu, bà con đã thực hiện có hiệu quả việc ngọt hoá trên diện tích nhỏ để trồng dừa, tăng thu nhập từ trái dừa. Tuy ít, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hoá sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trồng dừa trên đất mặn không khó, nhưng để cây phát triển tốt và cho trái ngọt là vấn đề khó đối với bà con nông dân. Sau nhiều năm kinh nghiệm, một số bà con thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng dừa trên đất mặn cho kết quả tốt. Một khi giữ ngọt tốt, cây sẽ ít thấm mặn trong mùa nắng và cho trái năng suất cao, nước ngọt hơn. Tuy nhiên, để làm được mô hình này, bà con nông dân phải có sự kiên trì trong việc giữ ngọt. Hơn nữa, cây dừa ít nhất 3 năm trở lên mới có thể cho trái và thu hoạch được.
Ngọt hoá đất mặn
Ông Nguyễn Văn Phen, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, trồng hơn 10 cây dừa trên bờ ao nuôi cá bống tượng. Do việc giữ ngọt để nuôi cá nên dừa phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Do thường xuyên bơm nước bổ sung cho cá vào mùa nắng, cũng như giữ nước mưa vào mùa mưa để nuôi cá, nên cây dừa cũng phát triển tốt do độ mặn không cao, dừa cho trái ổn định.
Mỗi năm gia đình ông Phen bán hơn 400 cây dừa giống, mỗi cây 25.000 đồng. Thu nhập 1 năm cũng được 10 triệu đồng. Số còn lại gia đình tiêu dùng hoặc bán dừa tươi. Theo ông Phen, giống dừa ông trồng cho năng suất mỗi năm 1 cây không dưới 60 trái.
Kiên trì giữ ngọt nhiều năm
Một số ít bà con nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đã kiên trì giữ ngọt nhiều năm. Cùng với nuôi cá, bà con bảo tồn khá tốt diện tích cây dừa đã trồng trước đây. Ông Ðoàn Hữu Hạnh, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, là một trong số ít nông dân còn giữ được vườn dừa trên đất mặn khá nguyên vẹn. Do bà con chung quanh lấy nước mặn để nuôi tôm, nên vườn dừa này ít nhiều cũng thấm mặn vài ba phần ngàn. Tuy nhiên, với điều kiện này, cây dừa vẫn phát triển và cho trái tốt. Hằng năm, ông Hạnh có thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ cây dừa.
Ông Hạnh cho biết, một cây dừa mỗi năm cho thu hoạch chắc chắn được 500.000 đồng, bởi mỗi cây ít nhất cho 50 trái/năm. Tính bình quân mỗi trái tươi hay khô gì thì cũng 10.000 đồng thôi, cây dừa thì cho trái quanh năm, không theo mùa. Hiện nay, hằng ngày, gia đình ông Hạnh đều có dừa bán do con ông bán hàng tạp hoá trên sông.
Từ sau ngày chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm đến nay, màu xanh ngút ngàn của những vườn dừa, đặc trưng của huyện Phú Tân, bị thu hẹp dần. Ðất đai một số nơi trở nên hoang hoá do vắng bóng cây xanh, sản xuất cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy, từng bước khôi phục vườn dừa, cũng như các loại cây ăn trái kết hợp nuôi thuỷ sản ngọt trên đất mặn là hướng đi đúng của một số bà con nông dân hiện nay. Ðiều này chẳng những góp phần tăng thu nhập mà còn đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu./.
Quốc Hiệp