Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn chủ quan khi có người thân bị vật nuôi cắn (chó, mèo), thay vì đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để thăm khám thì vẫn chọn cách điều trị dân gian là lấy nọc, đồng thời sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Ðiều này đã tạo nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn các biến chứng, nhất là nguy cơ bệnh dại xâm nhập cơ thể từ những vết cắn của vật nuôi.
Bác sĩ thăm khám vết thương do vật nuôi cắn cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau.
Anh Lý Thanh Phong, Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, vừa đưa con gái 10 tuổi đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thăm khám vết thương do bị con chó nuôi cắn. Theo lời kể của anh Phong, bé bị chính chó nuôi tại nhà cắn một vết khá sâu trên bàn tay phải khi đang chơi với nó. Qua lời mách bảo của những người quen, anh đã đưa con đến một địa điểm để điều trị bằng cách lấy nọc. Tuy nhiên, sau hơn một đêm, vết cắn không thuyên giảm, mà có biểu hiện ửng đỏ và sưng lên nhiều. Lo lắng cho sức khoẻ của con, anh Phong đã đưa con đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thăm khám lại.
Anh Phong chia sẻ: “Nhiều người chỉ rằng chỗ đó (nơi lấy nọc chó cắn) hay lắm, họ lấy bằng sừng tê giác. Chỉ cần lấy hết nọc tại vết cắn là sẽ hết liền, không cần phải đi chích ngừa gì hết. Tin lời, tôi đã đưa con đến để làm, nhưng qua một đêm mà vết thương không giảm, lo lắng quá nên tôi đã đưa con đến bệnh viện để khám lại và chích ngừa thì mới có thể yên tâm được”. Cũng theo anh Phong cho biết, việc bị chó nuôi cắn đã xảy ra vài lần nhưng chỉ trầy xước nhẹ, cũng tiến hành điều trị bằng cách lấy nọc.
Theo Bác sĩ CKI Ðoàn Mộng Tím, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, việc bị vật nuôi cắn mà điều trị bằng những cách dân gian như lấy nọc, thoa, uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng cao, như gây ra tình trạng nhiễm trùng và làm vết thương nặng hơn.
Vết cắn từ chó nuôi bị sưng tấy lên sau khi thực hiện phương pháp lấy nọc bằng phương pháp dân gian.
"Người dân sau khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 10-15 phút hoặc bằng các chế phẩm sát trùng khác như: cồn, các loại dung dịch sát khuẩn... sau đó đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về tiêm phòng bệnh dại, đồng thời được theo dõi chặt về sức khoẻ trở về sau", Bác sĩ Tím khuyến cáo. Ðồng thời cho biết, đối với việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại, người bị chó, mèo cắn có thể tiêm từ 3-5 mũi, tuỳ theo sự tư vấn của bác sĩ trong việc theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh, cũng có thể là tiêm vắc xin hoặc kết hợp huyết thanh kháng dại.
Theo Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thông tin, chỉ tính riêng trong tháng 4/2024, Khoa Khám bệnh đã tiếp nhận, tiêm 57 mũi vắc xin bệnh dại cho các trường hợp bị chó, mèo cắn. Qua con số này có thể thấy, tình trạng bị chó, mèo cắn đang gia tăng trong thời điểm này, thế nên, người dân cần lựa chọn phương pháp điều trị đúng cách theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra./.
Lê Chí