(CMO) Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 7 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 553 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm hơn 255 ca, bằng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 33 ca chuyển độ nặng. Các địa phương có số ca mắc nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với 208 ca, TP Cà Mau hơn 100 ca và Đầm Dơi gần 70 ca.
Có thể nói, tình hình dịch bệnh SXH từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù nhiều địa phương đã chủ động mở chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ngay từ khi mùa khô vừa kết thúc; ngành y tế tích cực vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Phát quang bụi rậm, vệ sinh chung quanh nơi ở, nuôi cá bảy màu trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để diệt ấu trùng muỗi (lăng quăng)… nhưng nhiều ổ dịch cũ vẫn bùng phát trở lại.
Bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời, cho biết: “Thời gian qua, ngoài các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế như: Phòng khám đa khoa Khánh Bình Tây, Sông Đốc; trạm y tế xã Khánh Bình… có đủ điều kiện, chức năng trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho các trường hợp mắc SXH ở thể nhẹ, thì tại Bệnh viện Đa khoa của huyện cũng đã tiếp nhận hàng chục ca SXH mỗi tháng, trong số đó có nhiều ca đã chuyển sang độ nặng”.
Ngành chức năng kiểm tra mô hình nuôi cá bảy màu phòng, chống dịch sốt xuất huyết của người dân tại xã Định Bình, TP Cà Mau.
Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nguyên nhân của căn bệnh SXH là do muỗi mang virus Dengue đốt. Loại muỗi này còn được gọi là muỗi vằn. Đây là loài muỗi ưa hút máu người vào ban ngày, thường là buổi sáng sớm và chiều tà, chúng có thể đốt nhiều lần nếu chưa đủ no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch, phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình tăng trên 20oC.
Ở vào giai đoạn 1, các triệu chứng của bệnh SXH thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, vì luôn có biểu hiện sốt cao, đột ngột từ 39-40oC trong 1 hoặc 2 ngày đầu.
Sau giai đoạn 1, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 2, tức là từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như: Xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).
Chỉ đến khi bước vào giai đoạn 3, thì người bệnh mới có phần an tâm hơn. Vì đây là giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng cũng phải hết sức cảnh giác. Bởi từ giai đoạn này, sẽ xuất hiện một số biến chứng diễn tiến rất khó lường trước được.
Bác sĩ Nguyễn Quang Phú, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Hiện tại, SXH Dengue đang vào mùa, đây là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11 và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng hơn và gây nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong”.
Bệnh SXH rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi nghi ngờ con em mình bị mắc SXH, việc cần làm trước hết là đưa ngay trẻ đến thăm khám ở những cơ sở y tế có đủ đảm bảo về chuyên môn (không nên đến các phòng mạch tư), để được điều trị kịp thời, bởi đây là căn bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định nhập viện để điều trị, theo dõi phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra./.
Phương Vũ