Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang trở nên đáng báo động khi số lượng và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước.
Người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. (ảnh minh hoạ)
Theo thống kê gần đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bình quân hàng năm bà con sử dụng khoảng 300 tấn thuốc BVTV, lượng thuốc sử dụng trung bình từ 2,5-3 kg/ha/vụ, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực từ 1-1,5 kg/ha/vụ. Nguyên nhân do tỉnh Cà Mau chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm, còn lại các tỉnh trong khu vực sản xuất từ 6-7 vụ lúa trong 2 năm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn còn nhiều bất cập khi chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lo ngại, việc lạm dụng thuốc BVTV hiện nay đang trở nên đáng báo động, nhiều bà con nông dân vẫn có tâm lý phun thuốc BVTV khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ để phòng ngừa sâu bệnh, nhất là sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay cơ quan chuyên môn, tự ý tăng liều lượng hay phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một lần phun xịt. Đây chính là tác nhân gây hại đến các loại côn trùng có lợi, khiến sâu bệnh phát mạnh; gây ô nhiễm môi trường đất, nước, gia tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Điều đặc biệt nguy hiểm hơn là, một số nông dân chưa có ý thức cao trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp; sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục sử dụng; chưa tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian cách ly của thuốc được in trên bao bì sản phẩm, phun thuốc gần ngày thu hoạch dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản sau thu hoạch.
Hiện nay, các vùng chuyên canh trong tỉnh còn khoảng 20 ngàn ha lúa hè thu đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trà lúa hè thu đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng do thời tiết mưa dầm, lúa chậm chín. Lo sợ kéo dài thời gian thu hoạch, mưa nhiều, khi gặp dông lốc làm lúa đổ ngã thì tiếp tục gây thêm nhiều thiệt hại, một số bà con nông dân dùng thuốc khai hoang để diệt cỏ, pha trộn với thuốc dưỡng hạt phun xịt để lúa nhanh chín và khi gặp mưa nhiều sẽ hạn chế được tình trạng lên mọng. Cách làm này không có khuyến cáo, bởi phun thuốc gần ngày thu hoạch, thời gian cách ly của thuốc không đảm bảo, nhất là phối trộn nhiều loại thuốc cho một lần phun dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản.
Đang thực hiện công việc phun xịt thuốc cho gần 1,4 ha lúa hè thu đang gần ngày thu hoạch, anh P.T.T, một nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, giải thích: “Do mưa nhiều, tuy hạt lúa đã chín vàng tới nách bông nhưng lá gai của bông lúa vẫn còn xanh. Để làm cho lá lúa nhanh vàng, một số bà con sử dụng thuốc diệt cỏ để phun xịt, vì lo sợ để lâu, mưa dông làm lúa đổ ngã gây thêm thiệt hại. Thêm nữa, hiện nay thương lái ra tận đồng xem lúa để ra giá, khi nào lúa chín vàng họ mới đồng ý cho thu hoạch”.
Điều đáng nói, đây không phải là cách làm hiệu quả. Trước đó, tình trạng này cũng đã xảy ra tại xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, và khi doanh nghiệp thu mua, đem xuất khẩu thì bị nhà nhập khẩu trả về do có dư lương thuốc BVTV.
Ngành chức năng sớm ban hành hướng dẫn về lượng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với lượng nước phun cho Drone.
Việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ bảo vệ tốt mùa màng, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, thuốc BVTV cũng như “con dao hai lưỡi” gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người, đến cây trồng, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng sinh thái.
Theo đó, người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV; đặc biệt tuân thủ thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV để sản phẩm lúa gạo đảm bảo an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong thời gian tới.
Ngành chức năng cần năng cường công tác quản lý sử dụng Drone phun thuốc. Đặc biệt, việc phun thuốc BVTV bằng Drone vào giai đoạn lúa sau trổ phải giảm lượng thuốc, phù hợp với lượng nước phun cho Drone, nhằm hạn chế dư lượng thuốc BVTV trên lúa gạo./.
Trung Đỉnh