Sở NN&PTNT khuyến cáo các biện pháp phòng trừ bằng cách chọn các dòng cây keo lai có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như: AH1, AH7…, mật độ trồng keo lai chỉ nên từ 1.800-2.500 cây/ha (hiện nay từ 3.300-4.400 cây/ha). Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ chuột, côn trùng. Ðặc biệt tiêu huỷ các cây bị bệnh không còn khả năng phục hồi bằng cách xử lý vôi bột hay thuốc trừ nấm để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Sau một thời gian dịch bệnh hoành hành trên cây keo lai, gây thiệt hại khá nặng, nay đã có dấu hiệu thuyên giảm, tuy nhiên, vấn đề xử lý triệt để vẫn còn là bài toán khó.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Nguyễn Phương Nam cho biết, sâu bệnh xuất hiện trên cây keo lai và gây thiệt hại nặng nhất từ đầu năm 2016 đến nay, đa phần không gây hại trên diện rộng mà trên từng khu vực. Hiện nay, mặc dù mức độ thiệt hại đã giảm dần nhưng xử lý vẫn chưa triệt để.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT, sau khi khảo sát tình hình thiệt hại, sở đã cùng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT và một số đơn vị liên quan thành lập tổ kiểm tra và đã xác định được nguyên nhân chính gây bệnh chết héo trên cây keo lai thời gian qua là do loài nấm ceratocystic sp, gây hại xâm nhập do côn trùng, động vật qua các vết thương, trong đó, chuột là đối tượng trực tiếp, nhất là trong điều kiện mùa mưa, ẩm thấp càng tạo điều kiện cho nấm dễ phát triển và lây lan. Ðây là bệnh được đánh giá mới phát sinh trong những năm gần đây và đang có xu hướng lây lan nhanh.
Rừng keo lai do chú Nguyễn Văn Mý quản lý thuộc Tiểu khu 038 - Liên Tiểu khu U Minh I, keo lai vẫn chết dần do chưa có hướng xử lý triệt để. |
Theo đó, Sở NN&PTNT khuyến cáo các biện pháp phòng trừ bằng cách chọn các dòng cây keo lai có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như: AH1, AH7… mật độ trồng keo lai chỉ nên từ 1.800-2.500 cây/ha (hiện nay từ 3.300-4.400 cây/ha). Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ chuột, côn trùng. Ðặc biệt tiêu huỷ các cây bị bệnh không còn khả năng phục hồi bằng cách xử lý vôi bột hay thuốc trừ nấm để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Theo khảo sát thực tế, sâu bệnh vẫn đang tiếp tục gây hại trên cây keo lai và người dân vẫn còn mù mờ, lúng túng trong các biện pháp phòng trừ.
Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: “Tổng diện tích trồng keo lai trên toàn lâm phần khoảng 4.000 ha, diện tích bị bệnh 149 ha. Trước mắt, công ty hướng dẫn cho các hộ nhận khoán và các đối tác trồng liên kết xử lý thực bì, phát dọn cỏ, cách ly những cây sâu bệnh. Chủ yếu chặt bỏ cây bị bệnh, tránh lây lan. Quy trình xử lý không thể theo quy định tiêu huỷ bằng hố đào, đốt bỏ, bón vôi mà chỉ chặt những cây bệnh đem bỏ xuống dưới kinh, bởi quy mô trồng lớn, nhân lực ít không thể nào làm xuể”.
Quản lý hơn 50 ha keo lai thuộc Tiểu khu 038 - Liên Tiểu khu U Minh I, Ông Nguyễn Văn Mý cho biết, đa số cây keo lai bị chết kéo dài là do nấm, cây bị chết nhiều không biết làm gì nên đem vào hầm than bán. Hiện tại rừng keo lai của ông, nhiều cây đã chết khô chưa kịp đốn, một số cây khác cũng bị nấm tấn công, lá bắt đầu vàng úa và rụi dần. Một số liếp chuột vẫn tiếp tục cắn phá làm cây gãy ngang đọt.
Ngán ngẩm nhìn đám rừng keo lai cứ chết dần, ông Phan Quốc Thắng, Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, than: “Ðây là vụ đầu tiên gia đình trồng keo lai, đầu tư 3 ha hết cả trên 100 triệu đồng, đến nay đã thiệt hại khoảng 80%, không biết thuốc gì để phòng trị, chủ yếu nghe khuyến cáo dọn thực bì. Dọn thì dọn nhưng cây vẫn chết. Giờ gia đình cũng đang xin ý kiến phá bỏ để trồng tràm lại".
Với suy nghĩ đơn giản cây keo lai dễ trồng, phát triển nhanh, lại chưa nắm rõ quy trình canh tác loài cây mới này nên nhiều người vẫn ỷ lại, thêm vào đó việc ham lợi nhuận trước mắt, trồng với mật độ cao từ 3.300-4.400 cây/ha, thời tiết ẩm, không dọn vệ sinh, thiếu ánh sáng, dễ phát sinh và lây lan bệnh. Khi sâu bệnh phát triển thì đa phần người dân tỏ ra lúng túng trong cách xử lý.
Ông Nam nhìn nhận: "Qua sự cố lần này, công ty rút ra kinh nghiệm, do trước đây trồng keo lai thiếu chăm sóc, thiếu kiểm tra nên không phát hiện kịp thời dịch bệnh. Về kỹ thuật canh tác mật độ còn quá dày, điều kiện ẩm dễ sinh ra dịch bệnh, cần điều chỉnh mật độ phù hợp và luân canh các dòng keo lai khác nhau để hạn chế dịch bệnh"./.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng diện tích keo lai được trồng trên địa bàn toàn tỉnh đến cuối năm 2015 là 7.353 ha. Trong đó, hiện diện tích có cây keo lai bị bệnh và chết là 319 ha. Với mức độ thiệt hại khác nhau, từ 10-20%, có nơi 80-90%. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 5/8/2016, sau khi kiểm tra, đã xác định được nguyên nhân gây bệnh và đưa ra một số giải pháp phòng trừ. |
Bài và ảnh: Hồng Nhung