Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vấn đề lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh, mua bán... nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền cùng với sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, thời gian qua công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện Cái Nước chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nổi bật như: công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được tăng cường…
Đoàn Kiểm tra liên ngành về ATTP huyện Cái Nước kiểm tra cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại xã Tân Hưng.
Ông Ngô Tấn Cuộc, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Vấn đề ATTP luôn được toàn xã hội quan tâm. Xã Tân Hưng đã xác định đảm bảo ATTP gắn với an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chính vì vậy, các mục tiêu về tăng cường giáo dục, truyền thông, thông tin về ATTP, vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn, uống luôn được chú trọng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ tại địa phương, tăng cường vai trò giám sát của các đơn vị quản lý, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng... phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn xã.
Năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, huyện Cái Nước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về chất lượng ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, tháng hành động vì ATTP năm 2024 còn là điểm nhấn tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Bác sĩ Phạm Thanh Trung, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Cái Nước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên địa bàn huyện thời gian qua, công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn, chưa quản lý được hoạt động đảm bảo ATTP. Tình trạng thực phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn còn tồn tại trên thị trường; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý… tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, gây tổn thất lớn về kinh tế, chính trị, đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn huyện.
Ngộ độc thực phẩm thường không gây tử vong cấp ở nhiều người như các loại dịch bệnh khác nhưng sử dụng thực phẩm không an toàn dẫn đến tồn dư các loại hoá chất độc hại trong cơ thể sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho sức khoẻ con người như các bệnh về gan, thận, ung thư… Và cùng với những diễn biến phức tạp của các bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm, như: Tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A/H5N1… thì cả cộng đồng đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ về sức khoẻ và tính mạng.
Chính vì vậy, bác sĩ Trung kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp Nhân dân nêu cao vai trò trách nhiệm, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp vì an ninh, đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật, thông báo rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP để người tiêu dùng biết, không sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATTP.
Công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP còn nhiều khó khăn, thách thức và là việc làm đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ và lâu dài. Do đó, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các trường học, doanh nghiệp và mỗi người dân hãy coi công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mình, vì bản thân mình, vì gia đình mình và vì toàn xã hội. Mỗi chúng ta hãy là một giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng vệ sinh ATTP./.
Mai Thanh