Cùng với cây lúa, nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã gắn bó với hoa màu bao đời nay. Và cũng từ cái nghề trồng rẫy, đem lại thu nhập “1 công rẫy bằng 7 công ruộng”, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá, giàu.
Cùng với cây lúa, nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã gắn bó với hoa màu bao đời nay. Và cũng từ cái nghề trồng rẫy, đem lại thu nhập “1 công rẫy bằng 7 công ruộng”, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, việc trồng màu ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thời tiết bất lợi, thuốc, phân bón tăng giá, cùng với đó tình trạng giá cả bấp bênh, thương lái ép giá, điệp khúc "trúng mùa rớt giá” cứ tái diễn, làm cho cuộc sống của hàng ngàn nông dân gặp nhiều khó khăn.
Khi mùa mưa vừa đến, anh Lê Quốc Binh (ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) bắt tay ngay vào sản xuất vụ hoa màu mới, với hy vọng kiếm tiền để trả nợ mấy chục triệu đồng cho đại lý phân, thuốc do thiệt hại trong đợt thiên tai, đại hạn vừa qua. Thế nhưng, giá cả thấp, vụ dưa leo đầu tiên trong năm chỉ huề vốn.
Hơn 1 tháng nay, nông dân trồng màu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời gặp khó khăn do giá cả xuống thấp. |
41 tuổi, anh Binh đã gắn bó với nghề trồng rẫy 20 năm. Vì vậy, anh hiểu tường tận đặc điểm của từng loại hoa màu, sự khác nhau giữa trồng hoa màu dưới ruộng và trên bờ, cũng như thực trạng nông sản nông dân làm ra bị thương lái ép giá.
Anh Binh khẳng định: “Mình là người làm ra sản phẩm nhưng giá cả hoàn toàn do thương lái quyết định. Vì vậy, chuyện lời hay lỗ cũng phụ thuộc vào họ. Thấy sản lượng hoa màu nhiều là họ bắt đầu ép giá. Thu nhập từ hoa màu bây giờ giảm hơn nhiều so với trước, nhiều lúc giá rớt thê thảm, nông dân lỗ vốn. Nhưng nếu không trồng màu thì biết làm gì bây giờ, nguồn vốn không có, muốn chuyển sang làm nghề khác cũng không được”.
Theo anh Binh, 1 công hoa màu trung bình tốn chi phí khoảng 10 triệu đồng, muốn có lời thì 1 kg hoa màu phải có giá từ 5.000 đồng trở lên.
Vừa thu hoạch xong vụ bầu, nhưng khi nghe hỏi về lợi nhuận, chị Hồ Thị Bền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, lắc đầu ngán ngẩm: “Những năm trước, bình quân 1 vụ màu thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên, nếu hoa màu có giá thì ít nhất cũng 20 triệu đồng. Vậy mà, vụ màu vừa rồi chỉ huề vốn. Ðầu vụ 1 kg bầu có giá 2.000 đồng, cuối vụ còn có 1.000 đồng, huề vốn là may lắm rồi. Năm nào chẳng vậy, những tháng này, hoa màu rớt giá lắm, biết là trồng chẳng có lời nhưng sinh sống chỉ có bao nhiêu đó, phải theo thôi”.
Ðời sống phát triển, lộ làng ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng, vì vậy, hôm nay hoa màu không chỉ được thu mua bằng đường thuỷ mà cả đường bộ. Nhiều nông dân cho biết, những nơi nào đường lộ lớn, xe vận chuyển dễ dàng, hoa màu sẽ được các thương lái thu mua với giá cao hơn so với những nơi chưa có lộ.
Chị Nguyễn Kim Nhàn, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ở ấp Cơi 6B nhiều nơi đã có lộ, nhưng dọc theo vàm Tắc Thủ - Ðá Bạc này vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Vì vậy, hoa màu bị thương lái ép giá, thấp hơn so với những nơi lân cận có lộ vài ngàn đồng/kg”.
Trồng màu theo phương thức truyền thống không tránh khỏi thực trạng giá cả bấp bênh, vì vậy, nhiều nông dân cũng muốn chuyển sang trồng rau sạch, với hy vọng tìm được hướng đi mới cho mô hình trồng màu. Chủ động tham gia các lớp tập huấn, trồng thử nghiệm nhưng cuối cùng họ vẫn quay lại phương thức sản xuất như trước đây. Bởi lẽ, cái mới chẳng thấy, chỉ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, cho biết: “Ðể giúp nông dân trồng màu vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa được giá, chi hội đã phối hợp với các ngành tạo điều kiện để bà con tập huấn, áp dụng mô hình trồng rau sạch. Tuy nhiên, khi thu hoạch, không tìm được đầu ra, nông dân buộc phải bán cho thương lái và cuối cùng giá cả cũng như hoa màu trồng theo kiểu truyền thống, thêm vào đó, năng suất lại thấp nên cuối cùng họ quay lại sản xuất theo kiểu cũ”.
Không thể làm giàu từ cây lúa, những năm nay, nhiều nông dân chuyển sang mở rộng diện tích trồng màu và nguồn thu nhập từ hoa màu cũng trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Thế nhưng, giá cả hoa màu cũng bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao, cuộc sống nông dân càng gặp khó.
Thiết nghĩ, để phát triển kinh tế bền vững, nông dân cần sáng tạo trong sản xuất, áp dụng mô hình đa cây, đa con. Ðồng thời, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn trong việc tạo điều kiện để người dân áp dụng mô hình trồng rau sạch. Không chỉ là các buổi tập huấn, lớp trồng thử nghiệm mà phải làm “cầu nối” giúp người dân liên kết với các công ty, doanh nghiệp, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm rau sạch. Có như vậy, ước mơ làm giàu từ sản xuất nông nghiệp nói chung, hoa màu nói riêng của nông dân mới có thể thành hiện thực./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh