Đầm Dơi là huyện có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế thuỷ sản. Ngoài con tôm đóng vai trò chủ lực thì hiện nay, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn xen canh, đa canh các loại cây trồng, vật nuôi khác trên cùng diện tích nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ðiển hình như mô hình sản xuất đa cây, đa con của ông Phạm Văn Ðô, ấp Tân Ðiền, xã Tạ An Khương.
Đầm Dơi là huyện có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế thuỷ sản. Ngoài con tôm đóng vai trò chủ lực thì hiện nay, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn xen canh, đa canh các loại cây trồng, vật nuôi khác trên cùng diện tích nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ðiển hình như mô hình sản xuất đa cây, đa con của ông Phạm Văn Ðô, ấp Tân Ðiền, xã Tạ An Khương.
Có nhiều kinh nghiệm và là người luôn đi đầu trong phong trào sản xuất giỏi ở địa phương, ông Phạm Văn Ðô luôn tra cứu, học hỏi, tìm tòi về các thông tin kỹ thuật mới để ngày càng nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bí quyết ông chia sẻ với mọi người là, do thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, sản xuất phải đa cây, đa con và lấy ngắn nuôi dài.
Hiện nay, ông Phạm Văn Ðô còn 120 con cá sấu loại trên 30 kg/con, đang chờ giá tăng để xuất bán. |
Chỉ với hơn 1.296 m2 đất quanh nhà, ông trồng hơn 200 dây thiên lý, làm chuồng nuôi 150 con cá sấu, 5 con heo nái, 10 hồ nuôi lươn, cùng các loại cá nước ngọt kết hợp với trồng môn ngọt và chăn nuôi gà, vịt mỗi năm thu nhập gần 40 triệu đồng. Chưa tính khoản thu nhập từ nuôi cá sấu, cứ 2 năm xuất bán 1 lần hàng trăm triệu đồng.
Ông Ðô cho biết, nuôi cá sấu không khó, nhưng phải chăm sóc kỹ lúc cá còn nhỏ vì sức đề kháng yếu. Ðến khi cá lớn cần cho ăn đầy đủ là chúng phát triển nhanh. Cá ít bệnh, nhưng nếu bị bệnh cũng rất dễ phát hiện. Khi phát hiện con nào bệnh phải tách ra để chữa trị kịp thời.
Tuỳ theo điều kiện kinh tế mà việc xuất bán cá sấu sớm hay muộn. Nếu vốn ít thì nuôi từ 18-20 tháng, mỗi con đạt khoảng 14 kg là xuất bán được. Còn có vốn nhiều thì nuôi từ 24 tháng trở lên mới xuất bán sẽ có lời nhiều, lúc đó cá sấu cân nặng từ 20 kg trở lên. Với giá cá sấu ổn định khoảng 130.000 đồng/kg thì người nuôi đã có lời, vì nuôi cá sấu sẽ tận dụng được nguồn thức ăn cá phi trong vuông tôm.
Ngoài cá sấu, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông trồng trên 200 dây thiên lý, mỗi ngày thu hoạch được gần 10 kg bông, với giá bán 50.000 đồng/kg.
Ông Đô cho biết, thiên lý là loại cây rất dễ trồng, không cần nhiều thời gian chăm sóc và không tốn nhiều chi phí thuốc trừ sâu, cũng không đòi hỏi kỹ thuật khó như một số loại cây trồng khác. Nếu so sánh về thu nhập thì 1 công thiên lý chắc bằng 10 công ruộng. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bông thiên lý còn rất lớn. Không chỉ các nhà hàng, quán ăn và các chợ đầu mối có nhu cầu, mà người dân cũng bắt đầu thường xuyên dùng do thiên lý sạch, có nhiều công dụng chữa bệnh.
Ông còn nuôi cá, lươn, heo, gà, vịt và trồng hoa màu để tăng hiệu quả kinh tế gia đình. Với nhiều kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, 10 năm liền ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và là một trong những nông dân điển hình tiên tiến của xã.
Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Lê Minh Dương nói, tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con là chủ trương đúng đắn được nông dân tích cực hưởng ứng. Mô hình đa cây, đa con của ông Phạm Văn Ðô cần được triển khai nhân rộng. Mô hình này đã cụ thể hoá chủ trương tái cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Từ một nông dân nghèo khó, nhờ đổi mới tư duy và cung cách làm ăn phù hợp với xu thế mới, ông Phạm Văn Ðô đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững chắc, xây cất nhà cửa khang trang. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn chia sẻ kinh nghiệm và cách làm ăn hiệu quả cho bà con quanh vùng để cùng làm giàu./.
Bài và ảnh:Trúc Ly