(CMO) Ðó là thông tin từ ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, trong buổi trao đổi với phóng viên báo Cà Mau về việc đánh giá tổng quan về ngành kinh tế thuỷ sản của tỉnh nói chung, cũng như chỉ số kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nói riêng năm 2022.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, kinh tế thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau, trong đó tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm nuôi. Cà Mau là tỉnh đứng đầu so với cả nước về diện tích và sản lượng tôm. Diện tích nuôi tôm chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so cả nước. Mục tiêu đến cuối năm 2022, ổn định diện tích nuôi tôm 280.000 ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn; trên cơ sở bố trí lại các loại hình nuôi, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường, nhất là thị trường thế giới. Nhu cầu tôm của thế giới chưa thấy giới hạn, vì vậy không đáng lo về tiêu thụ, song phải tăng khả năng ứng phó các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Theo thông tin của một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, hiện các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022 với giá xuất khẩu ổn định và tiếp tục đàm phán, thoả thuận ký kết cho giai đoạn tiếp theo. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm hiện tại cũng như những tháng sắp tới diễn biến ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hoá và có yếu tố thuận lợi khi thực hiện các thoả thuận trong Hiệp định EVFTA. Trước những thuận lợi đó, năm 2022 tỉnh Cà Mau khẳng định tiếp tục lần thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang của các nước; bởi việc xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đã được hoạch định kế hoạch và những giải pháp cụ thể.
Kinh tế thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau, trong đó tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm nuôi. |
Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền rà soát thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh; xác định sản lượng từng đối tượng nuôi cụ thể, từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân. Song song đó, rà soát thông tin về việc các thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định. Ðồng thời, xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.
Xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức Festival tôm tại Cà Mau dự kiến trong năm 2023. Ðây là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau; các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… nhằm góp phần kết nối giao thương trong nước và xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản.
- Các chương trình, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Cà Mau đã phát huy tác dụng như thế nào để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu, thưa ông?
Ông Phan Hoàng Vũ: Thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022, về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Chương trình đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực kinh tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sau khi chương trình được Chính phủ ban hành, tỉnh Cà Mau đã tổ chức triển khai quyết liệt theo nội dung 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên.
Theo đó, về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển xuất khẩu, sẽ xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Cà Mau có thế mạnh; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản... Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số, xây dựng hoặc ứng dụng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, giáo dục, giao thông, du lịch...
Tới đây, tỉnh sẽ xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới. |
- Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đã khai thác và tận dụng tốt các lợi thế nào từ các hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc, Trung Quốc, thưa ông?
Ông Phan Hoàng Vũ: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngay sau khi có hiệu lực sẽ loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hoá Việt Nam. Hiệp định EVFTA cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại các nước EU trong môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. EVFTA cũng mở ra những cơ hội việc làm cho người lao động khi xuất khẩu tăng, các hoạt động sản xuất được mở rộng, dẫn đến những cơ hội việc làm được tạo ra tăng theo. Từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau cũng đã tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các quốc gia trong khối EC có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng khắt khe và đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cụ thể đối với tôm nuôi, khi nhập khẩu vào EU phải được kiểm soát danh mục thuốc thú ý sử dụng; con giống có nguồn gốc rõ ràng, có mã số ao nuôi; thức ăn có nguồn gốc và an toàn; sản phẩm tôm nuôi phải đạt chất lượng; phải có mã số vùng nuôi, ao nuôi; quy trình nuôi, chế biến phải đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm.
Ðối với thị trường Mỹ, thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ tăng và 2 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Thị trường EU sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ EVFTA và năm 2022 thị trường EU được đánh giá sẽ trở lại xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam. Ðối với thị trường Trung Quốc, chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thuỷ sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc năm 2022 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro. Thị trường Canada, Australia là thị trường tiềm năm cho mặt hàng tôm trong thời gian tới. Một số thị trường khác vẫn giữ đà tăng trưởng tốt như Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc…
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu thực hiện