Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tập trung triển khai trong hộ dân có đất sản xuất và phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết trong sản xuất... là định hướng của địa phương, được ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết.
Ngọc Hiển có diện tích nuôi thuỷ sản 23.128 ha. Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được xem là hướng đi bền vững. Hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận sinh thái của huyện là 12.730 ha. Sản phẩm tôm sinh thái được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, các nước EU.
Thu hoạch tôm sinh thái năng suất cao của hộ dân tại khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc.
Ông Phạm Ngọc Minh, ấp Ðường Kéo, xã Tam Giang Tây, cho biết: “Hơn 10 năm nuôi tôm, cua, chưa năm nào vuông nuôi trúng như năm nay. Mỗi con nước xổ, gia đình bán tôm, cua hơn 30 triệu đồng. Ðây là kết quả từ việc quan tâm áp dụng kỹ thuật trong sản xuất”.
Theo ông Lê Hoài Phương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là tập trung phát triển tổng thể, khai thác hết tiềm năng kinh tế nuôi thuỷ sản, đánh bắt biển, tiềm năng đất trên bờ bao vuông nuôi tôm, nuôi ven biển và kinh tế du lịch.
Mô hình nuôi ven biển, ven sông được huyện Ngọc Hiển phát triển, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân. (Ảnh: Nuôi hàu lồng trên sông Rạch Gốc).
Từ định hướng của huyện, các hộ dân đã tận dụng diện tích đất trống trên bờ bao vuông tôm trồng rau màu, cây ăn trái, tăng thu nhập cho gia đình. Hiện diện tích xuống giống rau màu, cây ăn trái toàn huyện đạt 850 ha. Rau màu chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh, phù hợp với vùng đất và thời tiết, trồng được nhiều vụ trong năm, mang về cho bà con nguồn thu nhập khá.
Về kinh tế biển, toàn huyện có 450 tàu cá khai thác thuỷ sản, hoạt động trên các ngành nghề như: lưới rê, đáy khơi, cào, te, câu mực, lưới ghẹ, lưới cá chim, lưới cá khoai... Trung bình mỗi năm, sản lượng khai thác đạt trên 30 ngàn tấn.
Kinh tế ven biển, có Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Ðất Mũi với diện tích 28 ha, năng suất nghêu đạt từ 10-15 tấn/ha/năm.
Ông Lê Hoài Phương cho biết thêm, bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập, hiện nay người dân cũng gặp một số khó khăn như: ảnh hưởng của thời tiết; việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả nuôi chưa cao. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng thuỷ sản có lúc sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa liên kết chặt chẽ với nhau nên quá trình sản xuất, kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao; nguồn nguyên liệu đầu vào còn hạn chế do lệ thuộc vào mùa vụ nên sản lượng làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc cung, cầu các sản phẩm OCOP chưa tương xứng, khi có thị trường tiêu thụ thì lại thiếu sản phẩm. Chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác còn ở dạng khuyến khích, chưa đem lại hiệu quả bền vững trong việc tạo động lực cho loại hình này phát triển.
Ông Trần Hoàng Lạc nhấn mạnh: "Tới đây huyện sẽ gắn kết nông dân, các HTX, tổ hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, tạo đầu mối để cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân vùng nông thôn”.
Hồng My - Chí Hiểu