Thực hiện Nghị quyết số 04 của Trung ương Hội Nông dân, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo phát triển, nhân rộng nhiều mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD), mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên.
Mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp hình thành ở nhiều lĩnh vực đặc trưng của tỉnh như: nuôi thuỷ sản, khai thác thuỷ sản; trồng hoa màu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; lúa - tôm; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn... Hầu hết các chi, tổ hội nghề nghiệp đã tìm được tiếng nói chung trên tinh thần tập hợp, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong SXKD; hướng dẫn cách thức làm dự án, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay. Song song đó, chi hội, tổ hội nghề nghiệp cũng là đầu mối xây dựng kế hoạch sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trang bị kiến thức về SXKD, dịch vụ; kết nối thị trường đầu vào và đầu ra, giúp bà con giảm chi phí, tăng lợi nhuận SXKD.
Mô hình nuôi cua của anh Lê Tiến Sĩ (thứ hai, từ phải sang), nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt. Với hơn 6 ha đất sản xuất, mô hình nuôi tôm - cua kết hợp cho gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Theo ông Ðặng Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi, nông dân hiện nay nếu chỉ tập trung sản xuất theo cách truyền thống thì không hiệu quả, phải linh động, học tập và liên kết để cùng nhau phát triển.
Tổ hội nghề nghiệp của ấp hiện nay đã tập hợp được 7 thành viên tham gia, hầu hết các thành viên có mô hình phù hợp với điều kiện gia đình như: nuôi chồn; nuôi rắn; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi tôm siêu thâm canh; mô hình vườn rau - ao cá...
"Các chi, tổ hội nỗ lực kết nối giúp bà con tìm con giống, thức ăn với giá phù hợp; kết nối tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; kết nối cấp trên để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Riêng tôi, ngoài vuông tôm, tôi thực hiện thêm mô hình nuôi rắn ri cá, hằng năm cho tổng thu nhập trên 120 triệu đồng", ông Phúc cho biết thêm.
Mô hình nuôi rắn ri cá của ông Ðặng Văn Phúc, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam cho thu nhập 50-80 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Công Quận, thành viên Tổ hội nghề nghiệp ấp Tân An Ninh B, phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, bà con mình hầu như mạnh ai nấy làm. Nay có tổ chức hội, chúng tôi rất phấn khởi, vừa có nơi để trao đổi kinh nghiệm làm ăn, vừa kết nối được vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất. Với gia đình tôi, để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, tôi chọn thực hiện mô hình vườn rau - ao cá, lấy ngắn nuôi dài, nhờ vậy mà có thêm nguồn thu và cải thiện bữa ăn ngon, sạch cho gia đình".
Ông Phạm Công Quận (thứ hai, từ phải sang), ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam tăng thu nhập từ mô hình vườn rau - ao cá.
Xã Tạ An Khương Nam hiện có 13 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, với các mô hình phổ biến như: nuôi sò huyết; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi chồn hương; trồng hoa màu... "Các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo các tiêu chí: cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Từ đây, tạo môi trường thuận lợi để nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm; xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, giúp hội viên nâng cao ý thức, tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm", ông Quách Hải Ðăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết.
Ông Phạm Công Lý, hội viên nông dân ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, với mô hình nuôi chồn hương, tổng thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/năm.
Ðến nay, toàn tỉnh có tổng số 103.176 hội viên nông dân; với 100 cơ sở hội, 929 chi hội (877 chi hội theo địa bàn dân cư; 52 chi hội nông dân nghề nghiệp); 4.791 tổ hội (3.853 tổ hội theo địa bàn dân cư; 938 tổ hội nông dân nghề nghiệp). Tuỳ điều kiện thực tế, các địa phương thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khả năng thực hiện của hội viên để chọn những mô hình khả thi. Mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả như mong muốn, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân vùng nông thôn.
Bà Trần Thị Quyết, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết, thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thôi thúc tinh thần thi đua lao động, sản xuất cùng vươn lên làm giàu trong hội viên, nông dân. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, đời sống hội viên, nông dân và xây dựng tổ chức hội. Ðây cũng là điểm tựa để hội viên, nông dân khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Từ việc tham gia các tổ hội, nhiều hội viên nông dân được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Ðiển hình, với phong trào "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", năm 2023, các tổ chức hội trong tỉnh đã đỡ đầu, giúp đỡ 397 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện với nhiều giải pháp như: tranh thủ phối hợp các ngành tổ chức dạy nghề, truyền nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo điều kiện vay vốn sản xuất; tuyên truyền phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau trong cán bộ, hội viên, nông dân./.
Loan Phương