Trước yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về nguồn tôm không có dư lượng kháng sinh chất lượng cao để đáp ứng cho xuất khẩu, nhất là thị trường các nước EU, Nhật Bản… đang đặt ra cho ngành tôm Việt Nam một thách thức lớn.
Trước yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về nguồn tôm không có dư lượng kháng sinh chất lượng cao để đáp ứng cho xuất khẩu, nhất là thị trường các nước EU, Nhật Bản… đang đặt ra cho ngành tôm Việt Nam một thách thức lớn. Trong khi người nuôi tôm đối mặt với môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp nên việc dùng kháng sinh không thể tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để tôm không còn dư lượng kháng sinh khi thu hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu là vấn để cần được ngành chức năng quan tâm.
Đã qua, ngành thuỷ sản Cà Mau phát triển mạnh các loại hình nuôi, từ quảng canh lên quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp từng bước nâng cao năng suất nuôi, đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn tôm nguyên liệu sạch được nuôi từ quảng canh, nuôi tôm trên đất trồng lúa và tôm sinh thái đóng góp lớn vào nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu của tỉnh.
Cần giảm áp lực giá vật tư đầu vào
Tuy nhiên, trước sự quản lý chưa chặt của ngành chức năng về giá cả vật tư đầu vào, nhất là các loại thuốc thú y thuỷ sản, dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty sản xuất vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng. Với hình thức tiếp thị đến tận hộ nuôi, “hoa hồng” cao khiến nhiều nông dân mắc bẫy. Do chất lượng kém, khi sử dụng, tình hình bệnh trên tôm ngày càng nặng thêm, kết quả thu hoạch sớm là điều tất yếu.
Nông dân huyện Cái Nước thu hoạch tôm. |
Ông Tăng Sình Sềm, Chủ nhiệm HTX Tân Phong (nuôi tôm công nghiệp), ấp Tân Phong, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Hiện nay thuốc trị bệnh tôm nguồn trôi nổi quá nhiều. Nhất là các loại vi sinh, khoáng, các loại thuốc trị bệnh gan, ruột... Nắm bắt điểm yếu của nông dân với giá càng cao thì hiệu quả càng cao, nhưng thực ra chất lượng thì ngược lại, khiến người nuôi tôm mắc bẫy”.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Qua kiểm tra nhận thấy việc kinh doanh sản phẩm thuốc thú y thuỷ sản, VTNN tràn lan. Ðiều này cho thấy công tác thẩm định, quản lý tại gốc chưa chặt chẽ. Nhiều sản phẩm sang chiết quá nhiều dẫn đến chất lượng kém, từ đó tạo kẽ̉ hở cho các công ty sử dụng, phân phối các loại thuốc kháng sinh lẫn trong sản phẩm trên".
Khi tình hình chưa được cải thiện thì người dân tự tìm các loại thuốc kháng sinh để hy vọng “cứu” tôm nuôi khỏi chết, thu hồi vốn, tiếp tục đặt cược vào vụ nuôi mới. Nhưng đa số cách làm trên đều không mang lại hiệu quả mà làm cho môi trường nuôi ngày càng xấu đi, không những ảnh hưởng đến vụ nuôi tiếp theo mà ảnh hưởng đến cả vùng nuôi.
Nói không với kháng sinh
Ðể hạn chế rủi ro cho người dân nuôi tôm, tiếp cận VTNN đầu vào chất lượng, tăng hiệu quả vụ nuôi, tăng thu nhập cho người dân, nhiều năm qua, UBND tỉnh cũng như Sở NN&PTNT tổ chức chiều cuộc họp bàn giải pháp quản lý VTNN, nâng cao chất lượng con giống. Các đại lý VTNN, tôm giống thực hiện nhiều cam kết chỉ lưu hành sản phẩm, thuốc, giống của những công ty uy tín, chất lượng, được người nuôi tôm trong tỉnh biết đến. Ðến nay, mặc dù có phần cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân trong tỉnh, nhất là khi đang vào chính vụ.
Ông Phạm Thế Tài cho biết thêm: “Ðể quản lý VTNN đầu vào với giá và chất lượng thực của từng loại sản phẩm thì Bộ NN&PTNT cần có giải pháp chặt chẽ hơn. Phải có công nghệ giám sát, hạn chế sự sang chiết sản phẩm gốc làm giảm tác dụng trên từng loại sản phẩm. Và trên hết phải nắm được giá nguyên liệu đầu vào để quản lý giá bán để người nuôi tôm chấp nhận được. Có như vậy người dân mới tiếp cận được sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, qua đó từng bước hạn chế sự lạm dụng kháng sinh cũng như sự lưu hành trên thị trường”.
Về nâng cao chất lượng tôm giống, ngoài tuân thủ quy trình nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng thì người dân cần phải tuân thủ việc xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi. Khi phát hiện các công ty bán thuốc không rõ nguồn gốc phải báo ngay cho UBND xã, đội liên ngành của Sở NN&PTNT kịp thời xử lý.
Ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho các hộ nuôi phải cảnh giác trước những công ty bán hàng trôi nổi. Khi đến các cơ sở kinh doanh VTNN mua sản phẩm phải kiểm tra chỉ tiêu chất lượng, hạn sử dụng. Cử cán bộ chuyên môn trong tổ kiểm tra các cơ sở tránh tăng giá tuỳ tiện để người nuôi tôm được tiếp cận sản phẩm VTNN đúng giá, chất lượng. Ðồng thời, có biện pháp quản lý việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm để có nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Hoàng Diệu