Kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp là trụ cột quan trọng của kinh tế tỉnh Cà Mau, khi chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm GRDP toàn tỉnh. Lợi thế, tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp ở Cà Mau là nổi trội, trong đó có những ngành hàng chủ lực chiến lược như tôm, lúa, cua... Dù đã đạt nhiều kết quả toàn diện, quan trọng, song thực tế, vấn đề căn cơ nhất là cải thiện lợi nhuận cho nông dân, chủ thể sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Nông dân vẫn đứng ngoài hoặc ở “tầng dưới” trong chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp, thụ động, dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro.
Loạt bài “Lợi nhuận cho nông dân: Trăm bề khó khăn” sẽ góp thêm những góc nhìn thực tế về kinh tế nông nghiệp tại Cà Mau; tập trung vào việc gợi mở giải pháp cấp thiết, trực diện, để nông dân thực sự có lợi nhuận chính đáng và làm giàu trên mảnh đất của mình.
Bài 1: Nông dân phó mặc may - rủi
Chi phí nuôi tôm đang là thách thức lớn đặt ra cho ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh Cà Mau. Cụ thể, đối với loại hình nuôi tôm STC thì chi phí thức ăn chiếm hơn 50%; tôm giống chiếm 8-10%; thuốc, hoá chất cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung chiếm khoảng 15-20%; nhiên liệu, khấu hao thiết bị chiếm khoảng 15-20% tổng chi phí nuôi tôm. Như vậy, chỉ những chi phí cơ bản này chiếm đến 88-100% tổng giá thành nuôi tôm STC, tức là lợi nhuận của người dân gần như không còn, thậm chí thua lỗ khi thị trường giảm giá như thời gian đã qua.
Chuỗi liên kết giá trị được xác định là công thức vàng để gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân Cà Mau vì nhiều lý do vẫn chưa thay đổi được tư duy, thói quen, cung cách sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính bền vững, nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương.
Nông dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau đang phải gồng gánh chi phí rất cao, dẫn đến lợi nhuận bị suy giảm, thậm chí thua lỗ (Ảnh: Mô hình nuôi tôm thâm canh xã Phú Tân, huyện Phú Tân)
Thách thức từ chi phí đầu vào
Tính đến nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 278.488 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh (TC), siêu thâm canh (STC) khoảng 6.380 ha, giảm 3,8% so cùng kỳ. Diện tích và loại hình nuôi thời gian dài luôn được duy trì khá ổn định, thế nhưng hiệu quả và lợi nhuận của người dân, chủ thể sản xuất thì lại vô cùng chông chênh, nhất là khi thị trường có biến động lớn như thời điểm hiện tại, người dân lâm cảnh khó khăn tứ bề.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đầu năm nay của Cà Mau đạt 786 triệu USD, giảm 8,4% so cùng kỳ. Sự sụt giảm này, phần do tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; phần do chi phí sản xuất tôm của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng còn cao hơn các nước như Ấn Ðộ, Ecuador... nên doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn.
Thị trường tôm nhiều biến động, các doanh nghiệp đầu mối chế biến thủy hải sản khó khăn cũng kéo theo những tác động trực tiếp đến người nuôi tôm Cà Mau.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Tôm của Việt Nam giá rất cao, doanh nghiệp cho rằng rất khó mua, còn người nuôi của chúng ta lại kêu lỗ do giá quá thấp, giá giảm rất sâu so với nhiều năm trước. Con tôm TC, STC thì khó về giá thành, chi phí sản xuất và sức cạnh tranh đang gặp vướng mắc; còn loại hình quảng canh lại hạn chế ở khâu năng suất, hiện tại năng suất loại hình này rất thấp”, ông Bằng đánh giá.
Liên quan đến chi phí đầu vào phục vụ sản xuất con tôm, phải kể đến thực trạng đã và đang tồn tại là tỷ lệ chênh lệch giá so với trả tiền mặt và trả chậm. Cụ thể, đối với hộ dân mua thanh toán tiền mặt 100% thì đại lý, nhà phân phối giảm giá trực tiếp khoảng từ 20-30% thức ăn tôm và từ 30-35% đối với các loại chế phẩm sinh học, thức ăn bổ sung, thuốc phòng trị bệnh... so với giá niêm yết. Cụ thể như, giá thức ăn mua tiền mặt sẽ giảm từ 10-13 ngàn đồng/kg tuỳ số lượng và loại thức ăn. Còn trong trường hợp thanh toán một phần từ 15-20% chi phí của vụ nuôi thì được giảm giá trực tiếp từ 10-15% cả thức ăn tôm và các loại chế phẩm sinh học, thức ăn bổ sung, thuốc phòng trị bệnh... so với giá niêm yết. Ðối với hộ nuôi trả chậm 100% cuối vụ nuôi thì đại lý, nhà phân phối thường giữ theo giá niêm yết của nhà sản xuất, tức cao hơn những hộ thanh toán trước từ 5-13 ngàn đồng mỗi ký thức ăn.
Giải thích cho sự chênh lệch quá cao này nhiều đại lý, nhà phân phối cho rằng, sợ rủi ro không thu hồi được đồng vốn. Một thực tế đáng lo ngại ở đây là, hiện nay có khoảng 90% hộ nuôi tôm TC, STC thiếu vốn sản xuất và việc tổ chức sản xuất hiện tại thông qua vốn đầu tư của đại lý, nhà phân phối là nguồn lực chính. Cụ thể, số hộ nuôi đủ khả năng thanh toán tiền mặt 100% chỉ khoảng 5%; khoảng 10% số hộ thanh toán trước khoảng 15-20% chi phí một vụ nuôi; có đến 70% số hộ nuôi phải chấp nhận trả chậm 100% cuối vụ; số hộ còn lại là đại lý đầu tư 100% vụ nuôi theo hình thức liên kết, hùn vốn nuôi và chia lợi nhuận với chủ hộ.
Không phải quá lo lắng về chi phí đầu vào, nhưng đối với người dân nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến (QCCT) thì gặp khó do năng suất quá thấp và chưa thể kiểm soát được môi trường vùng nuôi. Nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn đang nhận được nhiều sự quan tâm, bởi đây là loại hình nuôi có diện tích lớn nhất, với khoảng 180.000 ha nhưng cho năng suất chưa đạt kỳ vọng.
Nghề nuôi tôm quảng canh truyền thống năng suất chưa khả quan, nông dân nuôi tôm càng gặp khó khăn (Ảnh: Nuôi tôm quảng canh của nông dân ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, Ngọc Hiển)
Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào loại hình nuôi này phần nào nâng cao năng suất tôm nuôi. Ðiển hình ở một số huyện U Minh, Thới Bình, Phú Tân... đã áp dụng quy trình sử dụng vi sinh định kỳ 10 ngày/lần, từ đó năng suất đạt khoảng 300-500 kg/ha/năm, cá biệt có những hộ năng suất đạt trên 800 kg/ha/năm, tuy nhiên, số lượng này còn rất hạn chế, chỉ khoảng 20% diện tích hiện nay. Còn lại khoảng 40% chỉ áp dụng một phần trong quy trình kỹ thuật, năng suất đạt khoảng 150-350 kg/ha/năm; diện tích còn lại chưa áp dụng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt dưới 150 kg/ha/năm. Từ thực tế này chỉ ra hiệu quả loại hình nuôi tôm QCCT của người dân còn rất thấp, chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/ha/năm.
Không còn lợi nhuận
Chi phí tăng cao cùng với rủi ro biến động thị trường và dịch bệnh đã khiến nhiều hộ nuôi gần như không còn lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Một thực tế là, người nuôi tôm TC, STC ở Cà Mau hầu như mất phương hướng khi nhận diện rủi ro đến từ đâu. Chưa có một quy chuẩn chặt chẽ, chuẩn mực nào về quy trình, kỹ thuật nuôi tôm khả dĩ để nông dân nuôi tôm áp dụng. Thực trạng tràn lan thông tin tư vấn của bộ phận kỹ thuật từ phía các công ty thức ăn, thuốc, hoá chất khiến nông dân không biết đâu là thật, là giả và dù nuôi tôm trúng hay thất thì chi phí bỏ ra luôn ở mức rất cao.
Do không có lợi nhuận, không có khả năng tái đầu tư sản xuất, nhiều người nuôi tôm ở Cà Mau phải treo đầm (Ảnh: Đầm tôm thâm canh treo vụ tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn)
Thực tế này không chỉ khiến nhiều hộ dù nuôi thành công nhưng không còn lợi nhuận, thậm chí lâm cảnh nợ nần, phải cầm cố tài sản, gá nợ đất đai cho các đại lý, điểm phân phối thức ăn. Ông Châu Trung Trực, Giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản Ðoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, chua xót chia sẻ: “Trong tháng 8 vừa qua có thành viên thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng, loại 20 con/kg, đạt sản lượng hơn 4 tấn nhưng lại lỗ hơn 100 triệu đồng”. Cũng theo ông Trực, bà con xã viên hiện nay khó khăn vây bủa, giá vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá tôm giảm mạnh; cộng thêm dịch bệnh, thời tiết nên hầu hết người nuôi tôm từ đầu năm đến nay đều lỗ. Nhiều xã viên và bà con treo ao chờ thời.
Ðã có nhiều trường hợp nông dân vì theo con tôm TC, STC thời gian dài, giờ lâm vào tình thế bi đát. Gia đình anh T.H.T (đề nghị giấu tên) ở xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, là một trong những trường hợp ấy. Cách đây khoảng 10 năm, gia đình anh T đào ao nuôi tôm công nghiệp với những năm đầu thành công ngoài mong đợi. Tiếp đó, mô hình nuôi tôm STC được anh T xác định là cơ hội làm giàu hiển hiện cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên, không lâu sau, với những vụ tôm thất bại liên tục, anh đã phải bán hết phần đất vuông hơn 25 công và cho thuê lại 4 ao nuôi STC mà gia đình đã đầu tư. Anh T kể: “Khi hết vốn, gia đình cũng tìm nhiều cách để duy trì sản xuất, từ vay ngân hàng, mời thêm người hùn vốn, cho đến việc kêu gọi đại lý thức ăn đầu tư nhưng rồi thất bại liên tục, vụ nào năng suất khá thì cũng không có lợi nhuận vì các loại chi phí quá lớn...”. Dần dà, số nợ anh T gánh mỗi lúc một tăng cao. Ðến tháng 6 năm nay, thấy không còn khả năng chi trả nên gia đình đành thương lượng với đại lý thức ăn đã đầu tư là lấy đất để trừ nợ, vợ chồng kiếm nghề khác để sinh sống qua ngày. “Lao động tích góp mấy mươi năm, cuối cùng đến gần cuối đời lại trở thành người trắng tay”, anh T chia sẻ./.
Hải Nguyên - Song Nguyễn
Bài 2: Kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả