ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 22:07:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lợi nhuận cho nông dân trăm bề khó khăn - Bài 2: Kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả

Báo Cà Mau Thành phần kinh tế tập thể (KTTT), tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân tham gia vào chuỗi giá trị liên kết, “sân chơi lớn” thị trường. Những kết quả đạt được của lĩnh vực KTTT Cà Mau là tích cực, song thực tế, nông dân khi tham gia vào KTTT vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến lợi nhuận không ổn định, thiếu bền vững.

Công ty Chế biến Xuất khẩu thuỷ sản Năm Căn là một trong những đơn vị có thế mạnh xuất khẩu tôm sú nguyên con cho những thị trường khó tính. (Ảnh chụp ngày 21/9/2023)

Ðầu tàu gặp khó

HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, từng được biết đến như mô hình tiên phong của tỉnh Cà Mau để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm công nghiệp. Thành lập từ năm 2006, cho đến năm 2020 (trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), HTX Tân Long đã có vùng nguyên liệu gần 600 ha, với hơn 200 thành viên nông dân tham gia. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, HTX Tân Long gặp vô vàn khó khăn. Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc HTX, thông tin: “Hầu hết người nuôi tôm công nghiệp ở HTX đã dừng tái vụ, hoặc có nuôi cũng cầm chừng, vì bây giờ càng nuôi càng lỗ”.

Theo thông tin từ ông Tuấn, tình hình sản xuất của thành viên nuôi tôm đang rất chật vật. “Nếu tính tỷ lệ, 10 hộ nuôi, nay chỉ còn 3 hộ là đang cầm cự và không biết treo đầm lúc nào”, ông Tuấn chia sẻ. Khó khăn của người nuôi tôm công nghiệp bị bủa vây từ nhiều phía, giá vật tư thuỷ sản, giá điện, giá tôm giống... đều tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu giảm khiến người nuôi tôm đạt năng suất cao vẫn lỗ, thậm chí càng trúng tôm càng lỗ.

Ông Lâm Văn Khiếm, thành viên nuôi tôm có thâm niên của HTX Tân Long, cho biết: “Mấy anh thử tính coi, vốn đầu tư nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh rất lớn, tiền tỷ mới làm được. Người dân muốn làm thì phải cầm cố, thế chấp sổ đỏ vô ngân hàng hết. Nhưng chưa hết, để nuôi tôm, nông dân đuối vốn phải ứng mua trước vật tư với giá gấp rưỡi, gấp đôi. May tôm trúng, giá cả ổn thì trang trải, kiếm chút ít lợi nhuận; còn bể hầm, giá tôm thấp thì cầm chắc lỗ. Nợ chồng nợ, lãi đẻ lãi ai mà chịu thấu”.

HTX Tân Long từng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tôm với một doanh nghiệp thuỷ sản lớn. Thế nhưng, tình hình làm ăn khó khăn, doanh nghiệp này cũng đã dừng bao tiêu sản phẩm. Ðiều này buộc người nuôi tôm phải bán sản phẩm qua nhiều khâu trung gian thương lái. Quy trình thu mua tôm được ông Tuấn mô tả chẳng khác nào ma trận: “Doanh nghiệp sẽ báo giá về đại lý, đại lý có cấp 1, cấp 2, rồi đến thương lái và đội quân môi giới thu mua tôm. Nếu giá báo của doanh nghiệp là 10, thì khi mua trực tiếp, nông dân chỉ bán được 8. Chưa kể những thủ thuật, xảo thuật ép giá người bán”.

Là người điều hành HTX, ông Tuấn thừa nhận: “Chính khó khăn của HTX đã làm cho thành viên nuôi tôm thêm chật vật. Ngay cả mã số thuế, HTX Tân Long cũng chưa có, vậy nên mọi tính toán đều đang trì trệ và chưa có giải pháp khả thi. Một điều nữa, nếu người nuôi tôm công nghiệp không được trợ sức kịp thời rất khó để vực dậy, vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Ðến nay, tỉnh Cà Mau đã xây 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ, với tổng diện tích trên 7.000 ha. Ðối với lĩnh vực thuỷ sản, đến nay có 5 công ty chế biến xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng tăng thêm 9.089 ha và liên kết sản xuất tiêu thụ với 3 HTX quy mô 700 ha tôm - lúa ở huyện Thới Bình, nâng tổng diện tích liên kết là 22.337 ha.

Câu chuyện nhãn hiệu tập thể

Những mặt hàng nông sản nổi tiếng của Cà Mau dần khẳng định được vị trí, uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nhiều nhãn hiệu tập thể của nông sản đã được công nhận, tuy nhiên, việc bảo vệ, khai thác, phát huy nhãn hiệu tập thể tại Cà Mau còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Ông Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tư duy mạnh ai nấy làm, ăn theo nhãn hiệu tập thể nhưng không chú trọng đến chất lượng, uy tín, hình ảnh của nhãn hiệu tập thể khiến giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng; thậm chí có những trường hợp làm ăn không đàng hoàng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, dẫn đến những hệ luỵ kéo theo lâu dài, có nguy cơ làm mai một các nhãn hiệu tập thể”.

Một số nhãn hiệu tập thể của Cà Mau được các chủ thể là hộ sản xuất, doanh nghiệp tư nhân khai thác hiệu quả, nhưng chưa nâng tầm trở thành mặt hàng có giá trị thương hiệu theo chuỗi liên kết lớn (Ảnh: Nhãn hiệu bánh phồng tôm Hàng Vịnh, Năm Căn hiện được 3 chủ thể khai thác là Kiên Cường, Vĩnh Hoà Phát và Phúc Nhân).

Câu chuyện thương hiệu “Cua Năm Căn” là một ví dụ. Ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, thông tin: “Cua Năm Căn là thương hiệu tự hào của bà con nông dân, nhưng việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy hết giá trị đang gặp nhiều vướng mắc. Ðến nay, Năm Căn có 11 chủ thể được khai thác nhãn hiệu này, chủ lực là các HTX”. Ông Sin bộc bạch: “Chưa có cơ chế, chế tài và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả để bảo vệ thương hiệu Cua Năm Căn. Do đó, tình trạng một số vựa thu mua cua nơi khác về gắn mác Cua Năm Căn, hoặc trộn lẫn với Cua Năm Căn để trục lợi là thực tế đang diễn ra nhưng chưa có giải pháp khả thi nào để khắc phục”.

Một bất cập khác là giá cả Cua Năm Căn chính hiệu, có nhãn mác, tem truy xuất thực tế cũng không cao hơn bao nhiêu so với cua thương phẩm bán tràn lan ngoài thị trường. “Với mức giá cạnh tranh, người tiêu dùng cũng chưa quan tâm lắm đến nhãn hiệu, thế nên Cua Năm Căn thật sự vẫn phải loay hoay cạnh tranh với hàng kém chất lượng, nếu không nói là thất thế”, ông Sin trần tình.

Ðó là chưa kể, những chủ thể chưa được phép khai thác nhãn hiệu tập thể thì hầu như không có ý thức bảo vệ thương hiệu đặc sản địa phương mà chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt. “Tuỳ theo đơn hàng, yêu cầu đối tác về chất lượng, giá cả, người ta chiều ý khách, trong đó có một số ít chủ thể đang khai thác nhãn hiệu tập thể, nghĩa là xuất hàng Cua Năm Căn nhưng cũng không cần đến tem nhãn, logo, mã truy xuất, miễn là đôi bên cùng có lợi. Ðiều này hết sức nguy hiểm, khả năng phương hại đến uy tín nhãn hiệu tập thể là rất rõ ràng”, ông Sin trăn trở.

Vùng nguyên liệu cho thương hiệu Cua Năm Căn, Cà Mau gồm khu vực Năm Căn, một phần Ngọc Hiển và một phần Ðầm Dơi, tuy nhiên, do lợi nhuận trước mắt, nhiều vựa, lái thu mua cua ở nơi khác làm sút giảm uy tín, thương hiệu nông sản này. (Ảnh: Mặt hàng cua Ngọc Hiển tại điểm du lịch homestay Tư Ngãi, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Thực tế này được ông Thái Trường Giang cảnh báo: “Xây dựng thương hiệu đã khó, gìn giữ, phát huy càng khó hơn. Nếu KTTT, các cá nhân khai thác nhãn hiệu tập thể không tự bảo vệ mình, tạo ra sức đề kháng, uy tín, giá trị thực chất của nông sản thì có thể kéo gãy các chuỗi giá trị nông sản, của những ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau. Và cuối cùng, thiệt hại lâu dài nhất, nặng nề nhất chính là nông dân, chủ thể làm ra sản phẩm”.


Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 194/216 HTX nông nghiệp đang hoạt động, có 790 tổ hợp tác và 28 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định. Tuy nhiên, số HTX hoạt động hiệu quả chỉ khoảng 7%.


 

Hải Nguyên - Song Nguyễn

Bài 3: Nông dân ở thế yếu

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.