Làm gì để nông dân hưởng lợi là câu hỏi có lẽ phải cần rất nhiều thời gian, công sức và cả nguồn lực để có được câu trả lời. Bên cạnh những tính toán vĩ mô, tầm nhìn dài hạn, trước mắt cần nhất các giải pháp cấp bách để giảm chi phí, giúp người dân duy trì và tái sản xuất, quan trọng nhất là mang lại lợi nhuận trực tiếp cho nông dân.
- Lợi nhuận cho nông dân trăm bề khó khăn
- Lợi nhuận cho nông dân trăm bề khó khăn - Bài 2: Kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả
- Lợi nhuận cho nông dân trăm bề khó khăn - Bài 3: Nông dân ở thế yếu
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá thành con tôm nói riêng và nhiều mặt hàng nông sản khác được cấu thành bởi hai yếu tố chính, là chi phí sản xuất và năng suất. Thực tế trên địa bàn tỉnh, yếu tố cực kỳ quan trọng là chi phí sản xuất đang cao, do đó muốn giảm cần phải có sự liên kết để cắt giảm chi phí trung gian. Các nước trên thế giới cụ thể là Ecuador, trong các trại nuôi đều được xây dựng chuỗi khép kín nên chi phí rất thấp.
Bánh phồng tôm Năm Căn là thương hiệu uy tín, tuy nhiên các chủ thể nông dân, sản xuất vẫn e dè để tạo ra sự bứt phá và nâng tầm giá trị.
Cắt giảm chi phí trung gian
Ðể giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh (TC), siêu thâm canh (STC), ông Nguyễn Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đề xuất: “Cần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm bằng việc lựa chọn thức ăn có độ đạm phù hợp. Hiện nay, người nuôi tôm có xu hướng chuộng thức ăn có độ đạm cao, từ 42-45% đạm, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi 36% đạm là đảm bảo, từ đó làm tăng giá thành sản xuất hơn khoảng 4-5 ngàn đồng/kg tôm thương phẩm. Ngoài ra, quản lý thức ăn trong ao nuôi hợp lý, tránh dư thừa; quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng tăng trưởng và hấp thụ chuyển hoá thức ăn... Người nuôi tôm thực hiện liên kết để được hỗ trợ giá; nhà sản xuất và nhà phân phối thức ăn có chính sách hỗ trợ người nuôi”.
Ðể giảm giá đầu vào, tăng giá bán và ổn định đầu ra, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm TC, STC để hướng tới sản xuất bền vững và tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn tín dụng thông qua liên kết. Theo đó, mời các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh tham gia liên kết trong chuỗi và mời doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thuỷ sản, Cục Thú y, cho biết, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, song cũng là nơi có diện tích tôm bị thiệt hại nhiều nhất với khoảng 15.000 ha, chiếm từ 70-75% cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do đa phần người dân nuôi tôm theo mô hình nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, tức loại hình nuôi chưa được kiểm soát về môi trường, trong khi con tôm là vật nuôi chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong nuôi tôm trên thế giới có 10 loại bệnh nguy hiểm thì ở Cà Mau đã có đến 3 bệnh. |
Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX), Hội Thuỷ sản và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm trong và ngoài HTX tham gia chuỗi khi đủ điều kiện. Khi chuỗi liên kết được hình thành, những người làm cùng nghề nên hình thành liên hiệp để có tiếng nói chung, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo liên kết bền vững. Phối hợp với Sở Công thương và địa phương quản lý chặt thức ăn, thuốc, hoá chất, các loại vật tư đầu vào, chấn chỉnh ngay tình trạng chênh lệch giá thức ăn giữa tiền mặt và trả chậm như đã qua.
Theo Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 4/1/2023 của UBND tỉnh Cà Mau, về phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, ngân hàng sẽ hỗ trợ các thành phần sản xuất của chuỗi liên kết. Nông dân tiếp cận được nguồn vốn để thực hiện các giao dịch với giá ưu đãi, cắt giảm chi phí trung gian, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất. Ông Trung cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nuôi tôm gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, từ đó tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm hay trên địa bàn tỉnh.
Gỡ khó trong tiếp cận vốn
Ai cũng biết, tài sản và giá trị đầu tư trong nuôi tôm TC và STC rất lớn, thế nhưng hầu hết đều do người dân tự phát nhỏ lẻ hình thành. Ðồng thời, hồ sơ thanh toán, quyết toán, nhất là không có hoá đơn trong mua sắm nên việc xác định giá trị tài sản vô cùng khó. Ðối với việc tiếp cận vốn vay của người nuôi tôm, ông Lê Văn Sử đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân hoàn thành các điều kiện, hồ sơ thủ tục theo quy định để được hưởng các chính sách hiện hành của Nhà nước.
Hiện nay, có rất nhiều chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ sản xuất, như Nghị định 31/2022; Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; gói hỗ trợ 15 ngàn tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm... Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát số lượng khách hàng được hưởng chính sách, xuống địa phương để hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ thủ tục, chứ không chỉ dừng lại ở việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Ðối với ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách, cần có báo cáo giải trình với Ngân hàng Nhà nước để làm cơ sở báo cáo với UBND tỉnh”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý.
Lý giải thêm về những khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, nhất là bằng hình thức tín chấp, ông Vũ Hồng Nam, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Năm 2017, khi loại hình nuôi tôm công nghiệp phát triển mạnh, đơn vị đã triển khai đầu tư rất lớn, riêng huyện Ðầm Dơi 600 tỷ đồng và Phú Tân trên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định là chưa đủ điều kiện nên những năm gần đây đơn vị chưa đầu tư cho nuôi tôm TC, STC. Mô hình liên kết chuỗi thời gian qua cho thấy thực trạng “liên kết nhưng không gắn kết” nên rất dễ bị phá vỡ. Chính vì thế, việc cho vay tín chấp thông qua chuỗi liên kết rất khó”.
Ðối với việc cho HTX vay vốn hạn mức còn thấp, ông Nam cho biết thêm, theo quy định thì hạn mức cho vay tối đa bằng vốn góp của các xã viên. Tuy nhiên, hiện tại hình thức góp vốn của HTX của tỉnh đa phần chỉ là hình thức. Cụ thể, các xã viên thường góp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng góp vốn, vậy nên trên thực tế đây vẫn là tài sản cá nhân chớ không phải của HTX. Riêng đối với đầu tư cho loại hình nuôi tôm TC, STC là loại hình đầu tư có điều kiện và không phải ai cũng tiếp cận được.
Theo đó, để giúp người dân đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nam kiến nghị: “UBND tỉnh cần ban hành quy định hạn mức thu nhập thấp là bao nhiêu, cũng như các cơ quan thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp thu nhập cao để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. “Nuôi tôm TC, STC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nên không thể trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà người dân cần chủ động cân đối tài chính của gia đình. Ngân hàng đầu tư có hạn mức nhất định, chủ yếu là hỗ trợ một phần nào đó. Nuôi tôm TC, STC được cho là siêu lợi nhuận nhưng rủi ro lại cao, các ngân hành khi cho vay phải làm cách nào đó bảo toàn được nguồn vốn”, ông Nam chia sẻ./.
Hải Nguyên - Song Nguyễn