Gần 1 ha lúa trên đất nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Hoá, ấp 7, xã Thới Bình bị chết trắng.
Những ngày qua, lúa trên đất nuôi tôm ở các huyện: U Minh, Thới Bình bị chết lên đến hàng ngàn héc-ta và vẫn còn tiếp tục. Nguy cơ là vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay người dân sẽ bị mất trắng.
Ông Huỳnh Văn Nhuần, ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, than: "Tôi có 1 ha lúa - tôm. Những năm trước thu hoạch trung bình 35 giạ/công nhưng năm nay thì mất trắng". Xã Nguyễn Phích là một trong những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều, trên 1.875 ha, ảnh hưởng đến trên 1.568 hộ dân.
Phó Phòng NN&PTNT huyện U Minh Đinh Tấn Định cho biết, năm nay, lúa trên đất nuôi tôm ở địa bàn huyện bị thiệt hại rất nặng, hơn 6.000 ha của hơn 4.542 hộ dân. Trong đó, có trên 2.000 ha lúa mùa, hơn 4.127 ha lúa - tôm. Nguyên nhân lúa chết được cho là do thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiễm phèn, mặn. Hiện nhiều diện tích lúa - tôm bị thiệt hại từ 30%-50%, có nơi thiệt hại từ 70%-100%. Các xã có diện tích lúa - tôm bị thiệt hại nhiều nhất là: Khánh An, Nguyễn Phích, thị trấn U Minh, Khánh Hoà, Khánh Tiến... Trong đó, nặng nhất là xã Khánh Hoà, với trên 2.000 ha, ảnh hưởng đến hơn 1.200 hộ dân.
Gần 1 ha lúa trên đất nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Hoá, ấp 7, xã Thới Bình bị chết trắng. |
Không chỉ U Minh mà huyện Thới Bình, một trong những địa phương có diện tích lúa - tôm lớn nhất tỉnh cũng bị thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Văn Hoá, ấp 7, xã Thới Bình, cho biết: “Năm rồi thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm đạt hơn 35 giạ/công nên năm nay tiếp tục trồng. Nhưng giờ 1 ha bị chết trắng. Ở đây, hầu như ai trồng lúa trên đất nuôi tôm cũng bị thiệt hại".
Ông Nguyễn Văn Hoá thông tin thêm: “Năm nay hạn sớm và kéo dài, vuông tôm không đủ nước mưa để rửa mặn nên rễ lúa không phát triển được, thậm chí lúa bị thối rễ, lá bị úa vàng và chết dần". Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay diện tích gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm là khoảng 43.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh, TP Cà Mau và một phần huyện Trần Văn Thời. Thế nhưng, do thời tiết bất lợi nên diện tích xuống giống chỉ đạt khoảng 32.000 ha. Với tình trạng lúa chết trên diện rộng, kéo dài trong thời gian qua dẫn đến nguy cơ lúa trên đất nuôi tôm bị mất trắng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Qua thực tế kiểm tra cũng như báo cáo của các địa phương, có trên 40% diện tích lúa trên đất nuôi tôm của huyện bị thiệt hại và lúa vẫn còn tiếp tục bị chết”.
Mặc dù trồng lúa trên đất nuôi tôm được đánh giá mang lại hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, tuy nhiên, một vấn đề mà người trồng lúa trên đất nuôi tôm gặp khó là hệ thống thuỷ lợi ở nhiều nơi vẫn chưa khép kín, không đủ điều kiện để ngăn mặn, giữ ngọt nên không thể chủ động rửa phèn, mặn. Điển hình như vùng Quản lộ Phụng Hiệp nằm trong dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau có diện tích đất tự nhiên và đất sản xuất hơn 300.000 ha nhưng đến nay hệ thống thuỷ lợi vùng này vẫn chưa thể khép kín nên tình trạng xâm nhập mặn vẫn thường xuyên diễn ra.
Do hệ thống thuỷ lợi không đảm bảo nên phần lớn người trồng lúa trên đất nuôi tôm không thể chủ động trong sản xuất mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau Dương Quốc Mỹ cho biết: “Năm nay lượng mưa ít và kết thúc sớm nên sản xuất lúa trên đất nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, nếu không có những cơn mưa trái mùa lớn thì thiệt hại của người trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ còn tăng lên”.
Với mức độ thiệt hại nghiêm trọng như hiện nay và dự báo lúa trên đất nuôi tôm sẽ còn tiếp tục bị chết, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, đánh giá tình hình và có khuyến cáo kịp thời cho người dân. Nếu cần thiết, Cà Mau nên công bố thiên tai để có chính sách hỗ trợ phần nào giúp bà con tái sản xuất cũng như giúp họ yên tâm thực hiện chủ trương trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm mà tỉnh đang khuyến khích./.
Bài và ảnh: Ðặng Duẩn