Những năm qua, luân canh lúa - màu mang lại hiệu quả rất lớn cho bà con nông dân, phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, giúp cải tạo, chống suy thoái, bạc màu đất đai, đa dạng hoá nông sản phục vụ thị trường. Đặc biệt, mô hình góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, bình quân 50-70 triệu đồng/ha/năm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong vùng.
Những năm qua, luân canh lúa - màu mang lại hiệu quả rất lớn cho bà con nông dân, phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, giúp cải tạo, chống suy thoái, bạc màu đất đai, đa dạng hoá nông sản phục vụ thị trường. Đặc biệt, mô hình góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, bình quân 50-70 triệu đồng/ha/năm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong vùng.
Tuy nhiên, mô hình vẫn còn bộc lộ khó khăn, hạn chế, thiếu tính bền vững trong sản xuất như: sản phẩm lúa, rau năng suất, chất lượng còn thấp, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp và sản phẩm các loại rau màu chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Sản xuất hằng năm không ổn định thị trường đầu ra, giá cả luôn biến động, rủi ro do thời tiết bất lợi: mưa trái mùa, vùng luân canh lúa - đậu xanh bị thiệt hại, giảm năng suất.
Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau trồng dưa hấu trên ruộng lúa. Ảnh: TRẦN THỨC |
Nguyên nhân là do các địa phương chưa quy hoạch, tổ chức sản xuất vùng luân canh lúa - màu, phần lớn nông dân sản xuất tự phát, làm theo phong trào nên diện tích hằng năm luôn biến động. Hệ thống kinh nội đồng chưa được đầu tư, nguồn nước tưới chủ yếu nước ngầm, nước trời. Giá cả giống, vật tư đầu vào tăng, giá nông sản lúa, rau màu luôn biến động. Trình độ sản xuất rau màu của nông dân còn hạn chế, phần lớn làm theo kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác còn ít.
Nông dân vẫn còn lạm dụng nhiều phân hoá học, nhất là phân đạm, chất kích thích tăng trưởng, chưa áp dụng phân hữu cơ, vi sinh. Việc sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh phổ biến thuốc nhóm độc I, II chưa tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc nhóm độc I, II phổ biến, số lần phun thuốc còn nhiều, từ 7-10 lần/vụ, chưa đảm bảo về thời gian cách ly. Khâu gieo hạt, phun thuốc, tưới nước vẫn còn làm thủ công. Qua đó cho thấy, năng suất, chất lượng nông sản chưa cao, chi phí sản xuất tăng, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nông sản bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạm nitrat... nên nông sản chưa bảo đảm về chất lượng ATVSTP.
Với những khó khăn, hạn chế nêu trên, việc định hướng tổ chức lại vùng sản xuất luân canh lúa - màu là rất cần thiết để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, tăng thu nhập, phát triển bền vững mô hình.
Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương cần rà soát, xác định vùng chuyên canh lúa - màu, bố trí diện tích ổn định cân đối theo thị trường, không khuyến cáo mở rộng diện tích lớn nếu không có đầu ra. Bố trí sản xuất nên đa dạng các loại rau, nắm bắt thị trường, xác định thời vụ phù hợp, hạn chế rủi ro dư thừa rớt giá. Cần quy hoạch đầu tư hệ thống thuỷ lợi, kinh nội đồng để trữ nước tưới tiêu, chống úng.
Chính quyền, ngành, đoàn thể địa phương cần vận động Nhân dân củng cố, thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ hình thành các dịch vụ như: làm đất, chăm sóc, sau thu hoạch... liên kết các hộ để thực hiện sản xuất rau an toàn, cánh đồng mẫu lớn lúa - màu và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hạn chế bị ép giá. Tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư cơ sở sơ chế biến rau tại địa phương để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm cung cấp sản phẩm ATVSTP cho người tiêu dùng.
Toàn tỉnh có diện tích trồng rau hằng năm khoảng 7.000 ha. Trong đó, diện tích trồng luân canh lúa - màu khoảng 2.000 ha, chiếm 28% diện tích rau toàn tỉnh. Các mô hình luân canh lúa - màu gồm: 1 vụ lúa (hè thu) - 1 vụ màu (dưa hấu) ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau), Khánh Lâm (U Minh) và Trần Hợi (Trần Văn Thời); 2 vụ lúa (hè thu, lấp vụ 2) - 1 vụ màu (đậu xanh) ở xã Khánh Bình Tây, Khánh Hưng (Trần Văn Thời); 2 vụ lúa (hè thu, lấp vụ 2) - 1 vụ màu (dưa leo, bí đao, bí rợ) ở xã Tân Phú (Thới Bình), Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Hưng (Trần Văn Thời). |
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tập huấn chuyển giao, tư vấn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, rau màu. Xây dựng các điểm trình diễn hướng dẫn cụ thể cho người dân áp dụng từng bước các tiến bộ kỹ thuật mới thay thế dần các kỹ thuật cũ, lạc hậu. Ðưa vào sản xuất các giống lúa, rau màu mới, giống cây ghép, cây sạch bệnh có năng suất, chất lượng cao, phù hợp địa phương với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Chuyển đổi tập quán sử dụng nhiều phân hoá học vô cơ, thuốc hoá học độ độc cao sang sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu vi sinh, chế phẩm sinh học, màng phủ nông nghiệp, lưới phủ liếp. Ứng dụng cơ giới vào sản xuất lúa, rau, đưa hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt cho rau, các máy làm đất trên ruộng, máy gieo hạt, phun thuốc... để giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực thiếu lao động tại địa phương.
Trên cơ sở xây dựng vùng sản xuất lúa - màu, cân đối về diện tích, sản lượng của từng loại rau sản xuất ra ở từng thời điểm, kết nối thương lái xây dựng các kênh tiêu thụ về các chợ đầu mối ở các địa phương trong tỉnh. Xúc tiến thương mại, mời gọi chào hàng đến các cơ sở nhà hàng, khách sạn, công ty chế biến thuỷ sản…
Ðiều quan trọng là đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp, các tổ chức và nông dân tiếp cận như: Quyết định 62/2013/QÐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...
Cà Mau là tỉnh có tiềm năng về sản xuất đa cây, đa con, có nhu cầu rất lớn về lương thực, thực phẩm, đặc biệt rau xanh cho người dân ở các trung tâm xã, huyện, thành phố. Các mô hình luân canh lúa - màu phát triển mạnh sẽ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công./.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức