Đến ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, hỏi nông dân Nguyễn Văn Rô (biệt danh “Kỹ sư cơ khí”) thì dường như ai cũng biết. Bởi ông vừa nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy cày siêu nhẹ, siêu tiết kiệm nhiên liệu và giá thành thấp, rất tiện lợi trong việc cải tạo đất phục vụ nuôi tôm, được ngành chuyên môn đánh giá cao về khả năng ứng dụng.
Đến ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, hỏi nông dân Nguyễn Văn Rô (biệt danh “Kỹ sư cơ khí”) thì dường như ai cũng biết. Bởi ông vừa nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy cày siêu nhẹ, siêu tiết kiệm nhiên liệu và giá thành thấp, rất tiện lợi trong việc cải tạo đất phục vụ nuôi tôm, được ngành chuyên môn đánh giá cao về khả năng ứng dụng.
Xuất thân trong gia đình nông dân, ngay từ nhỏ ông Rô rất đam mê nghề cơ khí. Lớn lên, ông học và mở tiệm sửa chữa máy nổ ngay tại quê nhà. Mới đây, ông nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy siêu nhẹ để cải tạo ao đầm phục vụ nuôi tôm. Nhờ kết cấu gọn, nhẹ nên chiếc máy của ông dễ dàng di chuyển qua các kinh, mương mà không cần phà chuyên chở. Ðây là chiếc máy đánh cỏ sân bóng nhân tạo không còn sử dụng, có cấu tạo gần giống chiếc máy cày trét truyền thống, được ông mua về cải tiến lại bằng cách lắp thêm lưỡi cày kết hợp sử dụng động cơ có công suất phù hợp để cải tạo vuông tôm. Trọng lượng tương đương 100 kg, nhẹ hơn gấp 5 lần so với máy cày truyền thống cùng loại. Tính ra, giá thành chỉ hơn 10 triệu đồng, rất tiện ích trong việc cải tạo đáy ao nuôi tôm công nghiệp.
Ông Trần Pha Ly (bên trái), Phó trưởng Ban Nhân dân ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng tìm hiểu chiếc máy cày do ông Rô sáng chế. |
Ông Rô chia sẻ: “Việc nghiên cứu để chế tạo ra chiếc máy cày siêu nhẹ mất thời gian gần cả năm, khó nhất là bộ phận lưỡi cày, phải tháo ra, lắp vào rất nhiều lần mới thành công. Cái khó là ở chỗ đất vuông tôm mềm, làm sao đóng lưỡi cày cho phù hợp với chiếc máy xăng 5,5 mã lực hoặc lớn hơn một tí là được, khi cày đất phải úp như cày ruộng mới đạt yêu cầu”.
Không dừng lại ở đó, ông Rô còn sử dụng 2 cái phuy nhựa có dung tích 120 lít, lồng vào bên trong 2 chiếc bánh bội, giống như 2 chiếc phao để di chuyển qua kinh, mương một cách dễ dàng. 2 cái phuy nhựa này còn có tác dụng chống lún, giúp quá trình cày trục vuông tôm quảng canh một cách tiện lợi và hiệu quả hơn.
Vậy là sau hơn 1 năm nghiên cứu, ông Rô đã chế tạo thành công chiếc máy cày phục vụ cải tạo vuông tôm khá hoàn thiện, vừa cày xới cải tạo ao đầm tôm nuôi công nghiệp, vừa phục vụ cày trục đối với vuông tôm quảng canh. Chiếc máy cày tự chế của ông được bà con nông dân tìm mua bởi tính tiện lợi và tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.
Phó trưởng Ban Nhân dân ấp Giá Ngự Trần Pha Ly phấn khởi: “Việc anh Ba Rô chế tạo máy cày vuông tôm tôi cho là rất sáng tạo, phù hợp với địa phương này, đồng vốn rẻ, chi phí ít, hoạt động tốt với điều kiện địa hình vuông tôm phức tạp, có nhiều kinh, mương chằng chịt, không cần đến chiếc phà chuyên chở. Chiếc máy cày truyền thống thì bất tiện hơn vì có trọng lượng lớn, khi xuống vuông tôm cày xới là bị lún không thể hoạt động được, còn muốn qua kinh, mương thì phải dùng phà chuyên chở”.
Ðề cập đến sáng chế này, Kỹ sư Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, nhận định: “Nuôi tôm công nghiệp cũng như nuôi tôm quảng canh cải tiến, thường thì người nông dân chỉ cải tạo sên vét rồi hút bùn dưới kinh, mương, còn mặt ruộng thì từ trước đến nay chưa cải tạo được phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm nuôi. Tôi cho rằng, ý nghĩ của nông dân Nguyễn Văn Rô chế ra chiếc máy cày để cải tạo ao đầm vuông tôm là rất hay, rất sáng tạo, sẽ giúp ích cho bà con nông dân trong quá trình cải tạo đất để phục vụ nuôi tôm”./.
Bài và ảnh: Việt Tiến