Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau có 54.674 hộ, 7 dân tộc thiểu số, dân tộc Khmer 575 hộ/2.294 nhân khẩu, tập trung nhiều ở Phường 1. Tổng số hộ nghèo có 632 hộ/2.358 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer nghèo chiếm 75 hộ, cận nghèo 49 hộ.
Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau có 54.674 hộ, 7 dân tộc thiểu số, dân tộc Khmer 575 hộ/2.294 nhân khẩu, tập trung nhiều ở Phường 1. Tổng số hộ nghèo có 632 hộ/2.358 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer nghèo chiếm 75 hộ, cận nghèo 49 hộ.
Thời gian qua, được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, các hộ dân tộc Khmer đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có nhiều hộ từ bàn tay trắng đã vươn lên khá, giàu.
Nhờ trồng màu, sau 1 năm, gia đình anh Lâm Văn Mạnh đã thoát nghèo. |
Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn TP Cà Mau có ít đất sản xuất, phát triển kinh tế chủ yếu là buôn bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt... Trong thời gian qua, Thành uỷ, UBND TP Cà Mau đã tập trung chỉ đạo, đồng hành cùng đồng bào dân tộc Khmer, hỗ trợ vốn sản xuất, cho vay vốn, cung cấp phương tiện sản xuất và triển khai các mô hình như nuôi cá, trồng màu...
Ðiển hình là hộ bà Thạch Thị Cẩm Vân, trước đây là hộ khó khăn, lập nghiệp với 4 công đất, bà Vân trồng lúa, tuy nhiên, năng suất lúa không cao, gia đình bà Vân gặp không ít khó khăn. Từ khi được địa phương hỗ trợ cho vay vốn, vợ chồng bà Vân quyết chí làm ăn, mạnh dạn đào 800 m2 thả cá tra. Ðã trừ chi phí, 1 năm lợi nhuận trên 50 triệu đồng.
Bà Vân còn nuôi trên 200 con trăn, hiện nay trăn đang chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá thịt trăn dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí thức ăn, lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân Phường 1 đã phát động bà con nông dân Khmer phát triển mô hình nuôi cá, trăn để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Phó Chủ tịch UBND Phường 1 Bùi Thanh Tấn cho biết: “Ða số đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Phường 1 ít đất sản xuất, thế mạnh chủ yếu là nuôi cá với trăn. Vì vậy, thời gian qua, UBND Phường 1 đã xem xét, bước đầu hỗ trợ vốn cho bà con dân tộc Khmer để phần nào giảm bớt khó khăn, vươn lên làm giàu”.
Gia đình anh Lâm Văn Mạnh và chị Châu Thị Lanh, ngụ ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, trước đây thuộc hộ dân tộc Khmer nghèo. Từ khi ra riêng, gia đình anh Mạnh chỉ có vỏn vẹn 1.000 m2 đất sản xuất và 1 công đất ruộng, cuộc sống vô cùng khó khăn; hằng ngày, để kiếm thu nhập, anh Mạnh phải đi vác lúa mướn, đặt lờ, đặt lọp...
Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, địa phương đã cho gia đình anh vay 20 triệu đồng, hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng Nhà Ðại đoàn kết. Quyết chí thoát nghèo, với 1.000 m2 đất có được, vợ chồng anh Mạnh trồng rau ngót, mồng tơi... bình quân mỗi ngày thu hoạch trên 15 kg rau, mỗi tháng anh thu nhập trên 5 triệu đồng. Nhờ lao động cần cù, chịu khó, chỉ sau 1 năm, gia đình anh Mạnh đã trả sổ hộ nghèo.
Anh Lâm Văn Mạnh bộc bạch: “Mình có thu nhập hằng tháng, người ta thì không, nhường cho bà con, anh em khổ hơn mình, mình còn sức khoẻ thì cố gắng phấn đấu vươn lên với bà con. Mỗi cái mỗi nhờ chính quyền, Nhà nước hỗ trợ thì thua luôn, nên trả sổ hộ nghèo cho những hộ khó khăn hơn mình”.
Ông Vương Văn Sáng, Trưởng Phòng Dân tộc TP Cà Mau, nhấn mạnh: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố, Phòng Dân tộc cùng với UBND các xã, phường, trước hết động viên bà con, ngoài nguồn vốn được vay, bà con phấn đấu vươn lên, cố gắng làm ăn”.
“Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau có 10 hộ người dân tộc Khmer uy tín, những hộ này sẽ là hạt nhân tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình làm ăn hiệu quả cho những hộ khó khăn khác để phấn đấu vươn lên thoát nghèo”, ông Vương Văn Sáng nói./.
Bài và ảnh: Nhật Minh