(CMO) Hôm bữa dắt mấy đứa nhỏ về quê, nhìn đồng lúa trĩu vàng óng ánh, tụi nhỏ hỏi: - Cây gì vậy cha? - Lúa đó con! Nó làm ra gạo cho mình ăn.
- Hột lúa sao ăn được?
- Mình phải lột vỏ của hạt lúa để thành gạo nấu cơm!
- Lột bằng gì hả cha?
- Ngày xưa phải bỏ lúa vào cối xay, đổ vào cối giã. Giờ tiến bộ hơn, người ta đổ lúa vào máy chà ra thành gạo.
Nó kể cho sắp nhỏ nghe về câu chuyện đi chà gạo hàng xáo của cha mẹ hồi hơn 20 năm trước. Hồi đó, ông nội phải nghỉ việc trước tuổi vì mớ vốn liếng chữ nghĩa thời chiến không đủ làm cán bộ. Ông quay về nhà tập tành làm nông dân. Ngặt nỗi nhà không có đất làm ruộng nên ông bà học làm nghề nấu rượu nuôi heo. Dần dà, tích góp đủ vốn, ông bà sắm được chiếc xuồng be mười để đi bán gạo. Người ta gọi là nghề hàng xáo. Nhờ vậy mà năm dài tháng rộng trong nhà có của để dành. Người dân xứ mình lúc bấy giờ thường xuýt xoa: Đúng là phi thương bất phú!
Ở xứ mình ngày xưa có nhà máy xay xát lúa gạo nổi tiếng ở ngay vàm kinh, địa danh đó được đặt thành tên ấp như bây giờ - ấp Nhà Máy. Đó là nhà máy chà của ông Ba Hột. Năm tháng trôi qua, vì kỵ nể người lớn tuổi nên người địa phương không gọi nhà máy ông Ba Hột mà chỉ gọi là "nhà máy", riết rồi thành danh.
Nhà máy chỉ cỡ vừa vừa nên chạy ngày chạy đêm mà không xuể. Người dân phải xếp hàng ngồi đợi. Có khi nhà hết gạo, đem lúa tới nhà máy mà còn phải chạy mượn chòm xóm vài lon ăn đỡ.
Ngồi chờ tới lượt (có nơi phải bắt số nên có câu "tới số chà gạo"), mấy bà dì, bà chị cứ rôm rả những câu chuyện cánh đồng này, khóm ruộng kia, chuyện ông này, bà nọ, cả chuyện chọn dâu, kén rể... Mùa chuẩn bị gạo Tết, máy chà vô vụ “đông ken”, dưới bến sông xuồng đậu chờ chà gạo chật ních như bến chợ.
Nói về chuyện chà gạo hàng xáo của ông bà, vì chà số lượng nhiều, chà bán nên phải chà gạo trắng (không chà gạo lứt), rồi còn phải lau bóng hạt gạo để người mua không kén chọn. Vậy nên, sau khi mua đầy xuồng lúa, hai ông bà phải chạy qua tới miệt Đập Đá của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang để chà. Ở đó là xứ lúa, họ có nhiều nhà máy chà gạo cỡ lớn. Mấy tấn cũng trong vòng vài tiếng đồng hồ là ra gạo bóng lưỡng.
Không như nhà máy chà của ông Ba Hột, chỉ mấy anh cu li khuân vác, cân lúa, chỉnh cối, ở nhà máy chà miệt Vĩnh Thuận có cả chục người làm công như thế. Vừa cặp xuồng vô bến là họ có băng chuyền đưa lúa lên cối. Mấy ghe lớn thì họ đưa máy hút như vòi rồng, lúa bay vô cối là máy xay ù ù.
Nghe nó kể chuyện xưa, đứa nào đứa nấy ngồi chăm chú như nghe chuyện cổ tích. Nó tằng hắng rồi tiếp câu chuyện: Hạt lúa, ngoài xay ra gạo còn phụ phẩm là tấm, cám, trấu. Lúc trước, vì máy chà nhỏ, máy chà công nghệ cũ nên thường sau khi chà, gạo còn nhiều hạt thóc (lúa), bà phải dùng dụng cụ gọi là giần, là sàng để sàng gạo cho sạch tấm và nhặt thóc. “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm).
Trấu thì dùng làm nhiên liệu đốt như củi. Từ đó người ta đã tạo ra nhiều kiểu lò trấu. Từ lò bằng đất nhồi, đến lò bằng xi-măng rồi lồng sắt... Thậm chí, người ta còn dùng rất nhiều trấu để làm nhiên liệu đốt nấu mía đường như ở các nhà máy đường miệt kinh Hai Ngó.
Tấm thì để nấu cơm da, trộn men nấu rượu hay nấu cùng với cám nuôi heo. Xưa làm lúa mùa mất 6 tháng mới có lúa chín, nay làm thần nông, mỗi năm hai, ba vụ. Mỗi vụ cũng chỉ mất từ 85-100 ngày. Con người đã trồng lúa và hạt lúa đã nuôi con người từ ngàn xưa.
Hạt lúa, ngoài xay ra gạo, còn nhiều phụ phẩm như tấm, cám, trấu... Ảnh: Quốc Rin |
Bây giờ có điều kiện hơn xưa rất nhiều lần. Gạo được bán khắp nơi. Nghề hàng xáo cũng ít dần. Mấy cái nhà máy xay lúa gạo xứ nó cũng nghỉ hoạt động. Nhiều máy xay xát cỡ nhỏ được lắp ráp trên xe tải, dưới ghe để len lỏi ở những vùng quê. Nhưng loại này chỉ xay lúa gạo cỡ hộ gia đình. Mỗi lần lên cối chỉ vài ba giạ lúa. Nhiều nơi còn phục vụ tận nhà. Chỉ cần ngồi nhà a-lô là có người tới chở lúa đi chà, giao gạo tận nơi.
Kể đến đây, nó lại miên man nhớ cả một miền ký ức làng quê. Nó nhớ bến sông chật ních những xuồng ghe chờ tới lượt chà gạo. Nó nhớ âm thanh râm ran của những bà, những chị nói chuyện quê. Người già thì mong mỏi chuyện cưới hỏi cho sắp nhỏ. Mấy đứa nhỏ thì nheo nheo theo mẹ chà gạo để nũng nịu đòi ăn cà rem, đứa cầm một que mút mãi miết, thèm thuồng. Và nó còn thèm nghe cả âm thanh của lũ vịt bị trói chân kêu thất thanh trong buổi hừng đông dưới mấy chuyến xuồng chở hàng ra chợ…
Nó đã trải qua nửa đời người, giờ lại chứng kiến ngày thơ ấu của sắp nhỏ. Những ký ức về tuổi thơ với nó là dòng sông tắm mát tâm hồn, để những khi nhớ là thấy cả một bầu trời niềm vui ùa về. Dù không thể quay ngược về thời thơ trẻ nhưng những kỷ niệm tuổi thơ luôn mang mãi bên lòng của nó. Hơn chục năm tập tành ra phố thị, lắm khi bạn bè lại thấy nó rảo khắp mọi vùng quê để tìm lại những hình ảnh đẹp ngày nào./.
Ngọc Khanh