ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 07:23:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mua giống trôi nổi, nông dân thiệt đủ bề

Báo Cà Mau Cây giống là nguyên liệu đầu vào, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, thời gian qua cây giống kém chất lượng, nhất là keo lai giống, vẫn len lỏi ở nhiều nơi. Tin theo lời quảng cáo của người bán và chiêu đánh vào tâm lý muốn mua cây giống giá rẻ để tiết kiệm chi phí sản xuất, đã có nhiều trường hợp mua cây giống trôi nổi, hậu quả là mất tiền, thời gian, công sức và thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Tiếc công, thiệt kinh tế

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, chỉ ở tuyến Sông Trẹm, thuộc xã Khánh Thuận đã có khoảng 6 trường hợp mua phải cây giống kém chất lượng, gây thiệt hại kinh tế, tinh thần bà con.

Trường hợp ông Phan Thanh Trung, Ấp 12, xã Khánh Thuận, là một điển hình. Ông Trung có tổng diện tích 5 ha đất rừng, trong đó cải tạo trồng keo lai kê liếp 3 ha. Cách đây 3 năm, ông Trung mua khoảng 9 ngàn cây keo lai giống, với giá 800 đồng/cây (rẻ hơn giá keo giống sản xuất tại địa phương thời điểm đó khoảng 500 đồng/cây). Ông Trung cho biết, sau hơn 2 năm trồng, cây cao trên 4 m thì có dấu hiệu sâu bệnh, gãy ngọn đồng loạt, buộc phải bán tháo. "Với diện tích keo lai như thế, chỉ sau 4 năm trồng có thể thu về 500-600 triệu đồng. Thế nhưng lần này, mất hơn 1/2 thời gian trồng, cây hư nên phải bán để trồng lại, thu chỉ được hơn 60 triệu đồng. Phải nói thiệt đủ bề, mất thời gian, công sức và thêm nỗi uất ức", ông Trung kể.

Ông Phan Thanh Trung từng thiệt hại trên 300 triệu đồng vì mua và trồng phải giống keo lai trôi nổi.

"Rút bài học xương máu, tôi đã liên hệ với ngành chức năng ở địa phương, tìm giống cây ươm tại chỗ, tuy cao giá hơn nhưng chúng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng. Ðến nay, sau 1 năm tuổi, cây keo đang phát triển rất tốt. Qua đây, tôi kiến nghị ngành chức năng quan tâm, tăng cường kiểm tra các cơ sở cung cấp cây giống đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời có phương án ươm, sản xuất giống hoặc kết nối nguồn giống uy tín, chất lượng cung cấp đủ nhu cầu tại địa phương, giúp người trồng rừng an tâm sản xuất, tránh những thiệt hại đáng tiếc như thời gian qua", ông Trung kiến nghị.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Trang, Ấp 20, xã Khánh Thuận, trồng hơn 3 ha từ nguồn giống keo lai kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Chị Trang chia sẻ: "Những năm qua, người dân trồng rừng, đặc biệt là trồng tràm, đã đối mặt với nhiều khó khăn, tràm rớt giá thê thảm, bà con bán không được, hoặc bán tháo, chịu lỗ để trồng mới cho kịp thời vụ. Nghĩ đến hiệu quả lâu dài, chúng tôi bấm bụng đầu tư cải tạo, chuyển sang trồng keo lai kê liếp. Kết quả sau hơn 2 năm trồng, cây bệnh, gãy đổ hàng loạt, gia đình tôi mới biết là do mua phải giống kém chất lượng, tính toán ước thiệt trên 300 triệu đồng. Buồn lắm, nhưng đây là bài học kinh nghiệm đắt giá để chúng tôi thận trọng hơn khi chọn giống cho những vụ mùa mới”.

Thiếu nguồn giống tại chỗ

Huyện U Minh có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 43.500 ha, trong đó đất rừng đặc dụng trên 4.400 ha, đất rừng phòng hộ trên 502 ha, đất rừng sản xuất trên 38.643 ha (diện tích đất có rừng gần 32.000 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 855 ha, rừng trồng trên 31.100 ha).

Với diện tích rừng như trên, hằng năm người dân trên địa bàn huyện U Minh cần khoảng 5-6 triệu cây giống, chủ yếu là tràm và keo lai. Ðặc biệt, những năm gần đây, tràm truyền thống rớt giá mạnh, số hộ trồng tràm đã chuyển sang trồng keo lai kê liếp khá nhiều, nên nhu cầu cây giống càng tăng cao. Tuy nhiên, do lượng cây giống tại địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cùng với việc một số hộ dân có tâm lý chọn mua cây giống giá rẻ để giảm chi phí, từ đó vô tình mua phải cây giống kém chất lượng, kết quả chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế và phí thời gian, công sức sau nhiều năm trồng.

Ông Trần Ngọc Thảo, Chủ tịch HÐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã nhận được phản ánh từ hộ dân rằng, cây keo lai 1-2 năm tuổi thì bị sâu bệnh, chết cây. Qua tìm hiểu thì bà con mua cây giống không rõ nguồn gốc, từ đó chúng tôi đã khuyến cáo bà con".

Keo lai giâm hom là cây giống sinh dưỡng được tuyển chọn từ những dòng có năng suất cao. (Ảnh: Vườn ươm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ).

Ông Thảo cho biết thêm, công ty hằng năm ươm, giâm hom khoảng 2 triệu cây keo lai, phục vụ nhu cầu trồng rừng trên lâm phần công ty và một bộ phận hộ dân trên địa bàn huyện. Keo lai giâm hom là cây giống sinh dưỡng được tuyển chọn từ những dòng có năng suất cao (cây bố mẹ thuộc thế hệ F1) và chỉ khai thác hom trong vòng 3 năm. Cây keo trồng bằng hom có ưu thế rõ, luôn giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ và có sức đề kháng sâu bệnh cao. Tuy giá cây con giâm hom cao, khoảng 1.200 đồng/cây, nhưng khả năng sinh trưởng và phát triển rất nhanh, trong vòng 4-5 năm là khai thác và giá hiện nay 180-200 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện U Minh, toàn huyện trồng cây keo lai quảng canh hơn 12.000 ha, trồng tràm quảng canh hơn 20.000 ha. Qua điều tra thực tế, hiện nay nhu cầu cây giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện cần trên 6 triệu cây giống/năm, trong khi lượng cung tại địa phương chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là giống keo lai giâm hom. Ðây cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận người dân phải mua cây giống trôi nổi, dẫn đến những sự việc đáng tiếc như trên.

Hiện nay, diện tích trồng cây keo lai quảng canh trên địa bàn huyện U Minh hơn 12.000 ha.

"Thời gian qua, đơn vị phối hợp ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh cây giống, nhắc nhở và buộc các cơ sở cam kết cung cấp cây giống chất lượng rõ ràng. Ðồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng tính đến phương án sản xuất giống hoặc kết nối địa chỉ cung cấp giống, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn giống chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho người trồng rừng", ông Phong chia sẻ.

Việc tăng cường quản lý chất lượng cây giống sẽ góp phần đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân. Vì thế, ngành chức năng cần tăng cường quản lý chặt nguồn giống đầu vào, đồng thời có giải pháp đảm bảo cung cấp đủ cây giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân trong tỉnh, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại./.

 

Loan Phương - Minh Thừa

 

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học để giảm thiểu áp lực

Thảo luận về việc lồng ghép giảm thiểu tác động đối với đa dạng sinh học trong thực hiện các giải pháp quản lý và các tiêu chuẩn quốc tế đã áp dụng trong mô hình; đề xuất, khuyến nghị các giải pháp quản lý có liên quan, các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với mô hình tôm - rừng Việt Nam” là những nội dung quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo “Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuỗi tôm - rừng bền vững tại Cà Mau theo hướng chứng nhận quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học”, diễn ra vào ngày 19/6. Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tổ chức. 

Niềm tin về nông nghiệp sạch

Tham quan mô hình trồng rau an toàn của nhiều hộ dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, những luống rau xanh mướt đang phát triển, ít ai biết rằng, để có được sự thay đổi tích cực ấy là cả hành trình đổi mới cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Màu xuống ruộng, dân đổi đời

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời triển khai mô hình “Dân vận khéo” đưa hoa màu xuống ruộng sau vụ lúa. Từ những bờ ruộng bỏ trống ngày nào, giờ đây đã phủ màu xanh của vùng sản xuất trù phú, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Tín hiệu tích cực từ dự án khôi phục nguồn lợi cá đồng

Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là “chìa khoá” để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tích cực triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương. Một trong những điểm sáng là Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đồng tại tỉnh Cà Mau”.

Hỗ trợ chị em làm kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðầm Dơi luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác hội, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình sản xuất.

Đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm, cua

Sáng 10/6, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm, thời gian qua, một số hộ dân ở huyện Trần Văn Thời thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất cao.

Giữ nghề làm nước mắm

Nước mắm là loại gia vị được xem như “quốc hồn quốc tuý” của ẩm thực Việt Nam. Bằng tâm huyết, những người làm nước mắm truyền thống trong tỉnh vẫn luôn âm thầm, bền bỉ gìn giữ nghề của cha ông để lại.