Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2023, nông dân những vùng chuyển dịch trên địa bàn huyện U Minh xuống giống được 15.443 ha. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành chuyên môn nên lúa phát triển tốt. Ðến nay, nhiều diện tích đang được thu hoạch; trúng mùa, giá cao, người dân rất phấn khởi.
Vụ lúa - tôm này, gia đình ông Lê Trung Ðề, Khóm 2, thị trấn U Minh, xuống giống 2 ha lúa ST24. Ðây là giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hỗ trợ để thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ cũng như các khuyến cáo của ngành chuyên môn, lúa của ông Ðề phát triển tốt, đến nay đã chín và ông bắt đầu thu hoạch. Lúa trúng mùa lại bán được giá cao nên ông rất phấn khởi.
Các diện tích lúa đang trổ chín, hứa hẹn mang về cho người dân mùa bội thu.
Ông Ðề cho biết: “Lúa của gia đình tôi được 30 giạ/công, năm nay trúng mùa mà bán được giá cao nữa nên có lãi nhiều hơn năm trước, hiện thương lái bỏ cọc thu mua lúa tươi với giá 8.800 đồng/kg. Năm nay trừ chi phí, mỗi công chắc còn lãi từ 3,5-4 triệu đồng, với 2 ha này thì chắc còn lãi từ 60-70 triệu đồng”.
Gia đình anh Trần Chí Linh, Ấp 9, xã Khánh Thuận, sản xuất vụ lúa - tôm trên diện tích 2 ha, giống lúa ST24. Theo anh Linh, do đầu vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo năm nay sẽ có hiện tượng El Nino vào cuối vụ nên anh chọn giống lúa ngắn ngày để sản xuất, đồng thời cấy sớm hơn mọi năm. Ðến nay, gia đình anh đã thu hoạch xong, trung bình mỗi công hơn 35 giạ.
Anh Linh phấn khởi: “Lúa của gia đình tôi cắt bằng tay nên được mua với giá 9.000 đồng/kg, còn cắt bằng máy gặt đập liên hợp thì được mua với giá 9.300 đồng/kg. Năm nay lúa trúng mùa, lại trúng giá, lại còn trúng luôn vụ tôm càng xanh nên tôi và bà con phấn khởi lắm”.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện U Minh, đến thời điểm này, nông dân những vùng chuyển dịch thu hoạch được hơn 10.000 ha lúa - tôm, năng suất bình quân đạt hơn 4,3 tấn/ha. Các diện tích lúa - tôm còn lại sẽ được người dân tiến hành thu hoạch từ nay đến hết tháng 1/2024. Một điểm thuận lợi của người dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện U Minh là nhiều diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nên giảm rất nhiều chi phí thuê nhân công.
Nhiều diện tích lúa - tôm được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giúp người dân giảm chi phí thuê nhân công.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ cũng như khuyến cáo của ngành chuyên môn nên hầu hết các diện tích lúa đã thu hoạch đều cho năng suất cao, trong đó có nhiều diện tích lúa thuộc các dự án hỗ trợ sản xuất của phòng triển khai thực hiện; cộng với bán được giá nên mang về cho người dân lợi nhuận khá. Ðây được xem là mùa vàng trên đất nuôi tôm, nhờ trúng mùa, trúng giá, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập khá để đón Tết cổ truyền của dân tộc sung túc hơn”./.
T.Thể