Tất bật với các công đoạn chế biến khô cung cấp cho thị trường Tết, hối hả chuẩn bị cho chuyến vươn khơi ăn Tết trên biển..., không khí lao động tại những khu vực ven biển trong những ngày này nhộn nhịp hẳn.
Tại làng biển của thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), ngư dân hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi đánh bắt xuyên tết Nguyên đán. Tại cảng cá Sông Ðốc vào những ngày giáp Tết, các tàu, thuyền lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ đang hối hả cập bến, không khí rộn ràng hơn so với ngày thường. Ðúng lúc này, cơ sở khai thác thuỷ sản Hoàng An (Khóm 3) tổ chức cho anh em ngư phủ, bạn hàng ăn Tết sớm, trước khi đội tàu vươn khơi khai thác.
Nhiều phương tiện khai thác ở thị trấn Sông Ðốc cập bờ, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến biển xuyên Tết.
Ông Nguyễn Văn Quân, chủ cơ sở khai thác thuỷ sản Hoàng An, chia sẻ: "Dù năm nay hiệu quả khai thác không như mong muốn, sản lượng giảm, giá thành vật tư đầu vào tăng cao, nhưng khó khăn gì thì cũng tổ chức bữa tiệc nho nhỏ để anh em họp mặt, ngồi lại tâm sự, bàn tính kế hoạch cho năm tiếp theo, trước mắt là chuyến biển đầu năm này".
Cái nắng gay gắt của tiết trời những ngày cuối năm dường như bị xua tan bởi sự đông đúc, tấp nập người mua bán. Hàng trăm tàu cá công suất lớn, nhỏ cập cảng. Một số tàu bốc dỡ hàng hoá với nhiều loại cá, mực, có tàu lại hối hả xuống nhu yếu phẩm, tiếp nhiên liệu... để vươn khơi. Các tàu đánh bắt xuyên Tết thường sẽ trở về vào khoảng mùng 10 tháng Giêng.
Ăn Tết trên biển đã trở thành nét đặc trưng của người dân xứ biển. Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, cho biết: "Qua rà soát, có khoảng 30% tàu cá của thị trấn sẽ tham gia đánh bắt xuyên Tết. Thị trấn tuyên truyền bà con khi ăn Tết trên biển phải thật sự chú ý an toàn, đặc biệt phải luôn luôn duy trì liên lạc. Hiện, thị trấn cũng có phương án, lực lượng để phòng khi có tình huống ngoài ý muốn".
Với ngư dân xứ biển, chuyến đánh bắt xuyên Tết có ý nghĩa quan trọng, vì thường đánh bắt trúng hơn so với các thời điểm khác và đây là chuyến mở màn cho năm mới. Vì thế, ai cũng cố gắng tranh thủ, để gia đình có thêm một khoản thu nhập kha khá, dù phải ăn Tết ngoài biển, không người thân, gia đình.
Nhiều năm liền phải ăn Tết trên biển, ngư phủ Trần Hoàng Mạnh (Khóm 7, thị trấn Sông Ðốc) chia sẻ: "Anh em ai cũng chuẩn bị đồ đạc nhiều hơn một tí so với các chuyến biển bình thường. Thời khắc giao thừa, không có vợ con nhưng có anh em ngồi lại với nhau, cùng mong ước một năm bội thu. Tuy không đầy đủ như trong đất liền nhưng cũng khá ấm áp".
Vào những ngày này, làng nghề khô thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối. Mỗi người một việc, thanh niên trai tráng đảm nhiệm việc lên hàng, phơi khô, trong khi các chị em tất bật xẻ cá, muối, xếp lên giàn... Tất cả nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp tết Nguyên đán sắp đến.
Làng khô Cái Ðôi Vàm hiện cung cấp cho thị trường hơn 50 mặt hàng khô các loại.
Do nhu cầu tiêu dùng dịp tết Nguyên đán tăng cao nên các hộ làm cá khô nơi đây đều tăng công suất hoạt động, tận dụng hết cơ hội làm ăn để phát triển sản xuất cũng như tạo việc làm cho người dân. Anh Huỳnh Thanh Sang, cơ sở sản xuất cá khô Út Phấn (Khóm 4, thị trấn Cái Ðôi Vàm), cho biết: "Hiện nay, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 300 kg khô cá khoai/ngày".
Nhu cầu thị trường tăng cao vào mùa Tết, không chỉ chủ cơ sở như anh Sang có cơ hội phát triển kinh tế mà nhiều người dân có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, đón Tết sung túc hơn. Chỉ riêng cơ sở sản xuất cá khô Út Phấn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động mỗi ngày.
Nhân công tại cơ sở khô Út Phấn chuẩn bị cá dứa để làm khô cung ứng cho thị trường Tết.
Bà Phạm Kim Nhẫn (Khóm 4, thị trấn Cái Ðôi Vàm) chia sẻ: “Làm khô hơn 12 năm, năm nào cũng vậy, cứ những tháng gần Tết thì thu nhập tăng gần gấp đôi, do có khi phải làm cả đêm”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết: "Bà con khu vực Cái Ðôi Vàm có truyền thống lâu đời theo nghề làm khô phục vụ Tết. Do đó, trong những ngày này, bà con tập trung làm các sản phẩm chủ đạo là khô cá khoai, khô mực, khô cá trích... Thời gian qua, người dân rất chú trọng nâng cao chất lượng cũng như đầu tư trang thiết bị để cải tiến mẫu mã sản phẩm. Do đó, giá thành các mặt hàng khô khá ổn định, bà con vô cùng phấn khởi”.
Khô khoai là đặc sản đã được chứng nhận thương hiệu của làng khô Cái Đôi Vàm.
Ngoài khô cá khoai, sản phẩm đã làm nên thương hiệu gắn liền với nghề cá khô Cái Ðôi Vàm, mỗi năm, nơi đây còn cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn khô các loại, như: khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá lù đù... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sản lượng cá khoai tươi phục vụ làm khô đang thiếu.
Khác với trung tâm thành thị, ở các vùng biển vào những ngày này, có thể cảm nhận được mùi Tết rõ ràng hơn qua giàn khô, qua mùi dầu nhớt từ khói của những con tàu khai thác tấp nập ra vào cửa biển, chở theo mong ước năm mới khai thác bội thu./.
Nguyễn Phú