ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-7-25 08:45:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Năm con rắn nhắc chuyện nuôi.. trăn

Báo Cà Mau Cà Mau từng có thời “nhà nhà nuôi trăn, người người nuôi trăn”, con trăn đem lại chén cơm manh áo cho nhiều gia đình. Nhưng rồi đầu ra không ổn định, nghề nuôi trăn đi vào bế tắc. Khơi lại chuyện con trăn để tiếc nhớ một thời và cũng hy vọng nghề này có điều kiện khôi phục.

Thuần dưỡng và nhân giống trăn rừng

Nhắc đến Kỹ sư Lê Thị Liễu, người ta nhớ tới sáng kiến dẫn dụ chim trời, tạo lập được sân chim giữa lòng TP Cà Mau và việc xây dựng Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau. Tuy vậy, ít ai biết rằng, bà còn có hai công trình khoa học ý nghĩa đó là thuần dưỡng cho cá sấu Cu Ba lần đầu đẻ thành công trên đất Cà Mau và đặc biệt là thuần dưỡng trăn rừng, cho trăn sinh sản, để từ đó phong trào nuôi trăn phát triển rầm rộ, giúp xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình.

Trận hoả hoạn lịch sử năm 1983, làm hơn 20.000 ha rừng tràm bị thiêu rụi, con trăn vốn nổi tiếng ở rừng U Minh bị ảnh hưởng lớn. Xí nghiệp Dược Minh Hải bấy giờ sản xuất các mặt hàng cao trăn, thuốc Trangala, rượu trăn..., mỗi ngày mua vào hàng tấn trăn do người dân bắt bán.

Trước tình hình ấy, sợ nguồn trăn tự nhiên bị cạn kiệt, Ban Giám đốc Xí nghiệp Dược gợi ý và động viên Kỹ sư Lê Thị Liễu (bấy giờ công tác ở bộ phận Dược liệu của Xí nghiệp) nghiên cứu đề tài thuần dưỡng trăn rừng và cho chúng đẻ để bảo tồn giống loài.

Kỹ sư Lê Thị Liễu là người thuần dưỡng trăn rừng, cho trăn sinh sản chủ động tại nhà, nhờ đó phong trào nuôi trăn phát triển mạnh ở Cà Mau cuối những năm 1980 và sau đó.

Kỹ sư Lê Thị Liễu là người thuần dưỡng trăn rừng, cho trăn sinh sản chủ động tại nhà, nhờ đó phong trào nuôi trăn phát triển mạnh ở Cà Mau cuối những năm 1980 và sau đó.

Kỹ sư Lê Thị Liễu quê ở Quảng Ngãi, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, theo chồng (Kỹ sư Phạm Hữu Liêm, người có công lớn tạo lập Công viên 19/5, nay là Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phường 1, TP Cà Mau) về Cà Mau sinh sống.

Bà chia sẻ: “Lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về con trăn, chuyên môn của tôi là chăn nuôi, cũng không học gì về động vật hoang dã. Nhưng trước yêu cầu bức bách vậy, tôi quyết tâm làm”.

Con trăn là động vật ăn mồi sống, ở ngoài rừng nó rình con mồi chạy ngang rồi đớp, giờ nuôi nhốt, cho ăn mồi chết là một cái khó. Rồi từng giai đoạn phát triển, phối giống, đẻ con thế nào bà đều mù tịt. Chẳng biết hỏi ai, vì chưa từng có ai làm, cũng không sách nào chỉ dẫn.

“Xí nghiệp Dược xây cái chuồng nhốt trăn, bắc ván ngang rồi làm cái chòi phía trên cho tôi và các cộng sự ở đó theo dõi quá trình phát triển, tập tính của con trăn; cách phối giống thế nào; đẻ, ấp trứng, nở con ra sao... Lúc đó chồng đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, tôi đem theo con nhỏ mới 2 tuổi, ban đêm ở tại đó luôn”, bà nhớ lại.

Sau thời gian dồn tâm sức cho công việc, trải qua không ít khó khăn, vất vả, đề tài thuần dưỡng trăn rừng và cho trăn sinh sản của Kỹ sư Lê Thị Liễu thành công. Ðề tài được tặng Huy chương Vàng Hội chợ Quốc tế tại Cần Thơ và Hội chợ triển lãm Giảng Võ - Hà Nội, năm 1987.

Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam, con trăn được thuần dưỡng và chủ động cho sinh sản tại nhà. Công trình của bà không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn loài động vật hoang dã này mà mở hướng cho nghề nuôi trăn làm kinh tế.

So với chăn nuôi heo, gà, vịt thì nuôi trăn ít ô nhiễm môi trường, không tốn nhiều diện tích, có thể đóng chuồng nuôi trong nhà. Khâu chăm sóc, cho ăn cũng đơn giản (1 tuần, 10 ngày cho ăn 1 lần và chúng có thể nhịn đói nhiều tháng). Thức ăn gồm chuột, cá vụn, phụ phẩm heo, gà, vịt, giá không cao. Bấy giờ thị trường trăn thịt, trăn con cũng có giá. Báo, đài bắt đầu phổ biến kỹ thuật nuôi trăn, bà cũng xuất bản quyển sách hướng dẫn nuôi trăn. Từ đó, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau phát triển rầm rộ và nhân rộng ra các tỉnh bạn. Nhiều người nhờ con trăn cải thiện tốt điều kiện kinh tế gia đình.

Hiện nay, trong rừng U Minh thỉnh thoảng người dân vẫn bắt được trăn. (Trong ảnh: Con trăn 13 kg được phát hiện tại Ðiểm du lịch sinh thái Mười Ngọt). Ảnh: DUY KHANH

Hiện nay, trong rừng U Minh thỉnh thoảng người dân vẫn bắt được trăn. (Trong ảnh: Con trăn 13 kg được phát hiện tại Ðiểm du lịch sinh thái Mười Ngọt). Ảnh: DUY KHANH

Tỷ phú trăn

Những năm 2000, giới nuôi trăn không ai không biết đến trang trại trăn của vợ chồng ông bà Tạ Thanh Bá - Nguyễn Hồng Thiện (Phường 1, TP Cà Mau). Trang trại có đến hơn 5 ngàn con trăn thịt và trăn đẻ (trăn đẻ hơn 200 con, có khu riêng).

Ðể đáp ứng nhu cầu thị trường, vợ chồng ông bà Bá - Thiện nuôi trăn thịt đủ các cỡ, thị trường cần cỡ nào, trang trại đều đáp ứng được. Mỗi lần xuất bán từ 5-10 tấn trăn. Ông bà còn thu mua thêm trăn thịt bên ngoài giúp ổn định số lượng cho mối hàng.

Nhu cầu về chuột cho trăn ăn lớn nên hằng ngày xe tải từ các nơi chở chuột tới bán dập dìu, cơ sở của ông bà Bá - Thiện dần trở thành điểm thu mua và phân phối chuột cho thị trường, số lượng bán ra mỗi ngày vài tấn. Ngoài bán trăn thịt, hơn 200 con trăn đẻ, tới kỳ sinh sản, mỗi con cho ra đời vài chục trăn con, thậm chí có con đẻ từ 75-100 trăn con (trăn mẹ càng lớn, càng đẻ nhiều con), nên mỗi mùa trang trại có đều đều trên dưới 5 ngàn trăn con cung cấp cho người nuôi.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh lúc đó mua rất nhiều trăn con nơi đây, phát cho hộ dân nuôi để xoá đói giảm nghèo. Không có con số thống kê cụ thể, nhưng theo bà Thiện, rất nhiều gia đình nhờ đó mà cải thiện được đời sống.

Là chỗ quen biết, thường hay tới lui, Kỹ sư Lê Thị Liễu nhận xét: “Cô Thiện nuôi trăn giỏi lắm, mặc dù tôi nghiên cứu thuần dưỡng, cho trăn đẻ thành công, nhưng nuôi thì không bằng cô đâu, cô rất nhiều kinh nghiệm. Không chỉ cho ăn chuột, cô còn xay cá cho vào bọc, nặn vào miệng cho trăn ăn”.

Bà Thiện phân trần, nuôi nhiều, cho ăn vậy sẽ nhanh, kiểm soát được lượng thức ăn, bên cạnh đó giúp trăn tiêu hoá tốt, mau lớn...

Trang trại quy mô, nhiều việc, nên lao động làm cho bà thường xuyên tới 14, 15 người (dọn chuồng, tắm trăn, cho ăn, chế biến mồi, quản lý...).

Giá trăn hồi ấy lên xuống tuỳ từng lúc, có lúc cao nhất đến 500 ngàn đồng/con trăn giống; trăn thịt giá đến 355 ngàn đồng/kg. Thời ấy, người ta hay nhắc chuyện vợ chồng ông bà Bá - Thiện bán 20 con trăn thịt mua được chiếc xe hơi 4 chỗ qua sử dụng. Có người bảo vui: “Nuôi trăn giàu như trúng số độc đắc".

Phong trào nuôi trăn bắt đầu rầm rộ từ cuối những năm 1980, sau đó giá cả xuống dốc, rồi lên lại. Bà Thiện chia sẻ, để nuôi con ăn học, bà nghỉ làm Nhà nước ra ngoài bươn chải, sau đó nhờ nuôi trăn mà trụ vững, ăn nên làm ra.

Những năm 2015-2017, thị trường trăn có dấu hiệu lắng xuống. Là người nhiều kinh nghiệm, nhận định được tình hình, bà Thiện đã chủ động bán hết trăn, dẹp trang trại nên bảo tồn được đồng vốn.

Kỹ sư Lê Thị Liễu phân tích, con trăn không bỏ gì: da, xương, mỡ, thịt, mật... đều có công dụng. Thức ăn chính của trăn là chuột nên còn có lợi ích kép bảo vệ mùa màng, con trăn là vật nuôi tuyệt vời nếu đầu ra ổn định.

Bà Thiện cũng cho rằng: “Nếu con trăn phát triển được thì làm nghề này “êm” lắm. Xoá đói giảm nghèo rất dễ dàng”.


Một tín hiệu vui là mới đây, nhóm các nhà khoa học Ðại học Macquarie (Úc), nghiên cứu 2 loài trăn phổ biến ở Thái Lan và Việt Nam, phát hiện ra rằng, thịt trăn là nguồn thực phẩm rất bổ dưỡng; tỷ lệ tiêu tốn thức ăn của trăn lại ít so với nhiều loài vật nuôi lấy thịt khác; nguồn thức ăn cho trăn đa dạng, chi phí thấp; điều kiện nuôi đơn giản... Vì vậy, theo họ, việc nuôi trăn cung ứng nguồn thực phẩm cho thế giới cũng nên tính đến. Ðây là điểm mấu chốt trước tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.


 

Huyền Anh

 

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hoá sau sáp nhập xã

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều trụ sở, trong đó có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, trở nên dôi dư. Song, các địa phương đã linh hoạt tận dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế này nhằm tránh lãng phí tài sản công và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân.

Lan toả đam mê

Chị Ðặng Thị Thanh Mai không nhớ rõ mình bén duyên với nhiếp ảnh từ khi nào. Chỉ nhớ cách đây hơn 10 năm, lúc chưa nghỉ hưu, nhưng vì mê dịch chuyển đó đây, nên tranh thủ ngày cuối tuần, ngày phép... cứ có dịp là chị lại thu xếp thực hiện nhiều chuyến đi.

Gìn giữ con chữ, vun bồi bản sắc

Cộng đồng người Hoa tại Cà Mau, luôn quan tâm giữ gìn, lưu truyền chữ viết của dân tộc và duy trì thường xuyên các lớp giảng dạy, với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Những lớp học ấy không chỉ là nơi truyền dạy ngôn ngữ, mà còn là cầu nối thế hệ, vun bồi bản sắc, văn hóa của một cộng đồng giàu truyền thống.

Khi sắc màu dẫn lối

Tay máy nữ Nguyễn Bích Thu hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ðam mê nhiếp ảnh từ năm 2020, tuy không sinh hoạt chính quy ở tổ chức nào, nhưng tình yêu dành cho nhiếp ảnh trong chị luôn được nuôi dưỡng, vun đắp, duy trì qua rất nhiều những chuyến đi kết hợp giữa sáng tác nhiếp ảnh và du lịch trải nghiệm. Ngoài chủ đề yêu thích nhất là ảnh phong cảnh, chị cũng thích chụp ảnh chân dung, đời thường và nhiều chủ đề khác theo phong trào của anh em nhiếp ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Bác Ba Phi kể chuyện miệt rừng giờ đã thành miệt ước mơ

“Mấy chú ơi, đừng tưởng tui già rồi không biết thời cuộc nhen. Ừ thì tóc rụng, răng rụng, chớ tai mắt còn thính lắm. Tui nghe người ta nói Cà Mau giờ không còn là cái chấm cuối bản đồ nữa đâu nghen. Mà là chấm khởi đầu cho giấc mơ mới đó. Tui nghe mấy ổng gọi là... Cà Mau mới! Mới là phải rồi, vì mình đâu có như hồi xưa nữa!”.

Cà Mau: Đoàn kết phát triển - vững bước tương lai

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Cà Mau: Đoàn kết phát triển - Vững bước tương lai” được truyền hình trực tiếp trên sóng Báo và Đài Phát thanh, truyền hình Cà Mau (CTV), Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu (BTV) và trên các nền tảng công nghệ số.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu

Tối 29/6, tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo (Phường 5, TP Cà Mau), Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Khi Bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu

Trong một buổi trò chuyện ở xứ Cà Mau, khi bàn về hình ảnh biểu tượng cho sự hợp nhất giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, một bác nông dân cười hóm hỉnh: “Thì để bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu thử coi!”.

Ðậm tình với đất quê

Sinh ra và lớn lên ở Xứ Thanh, tác giả Hiệp Sơn (Phan Trung Sơn), Phó ban Nhiếp ảnh (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá), gắn bó máu thịt với quê hương, cả trong đời sống và sáng tác.

Bạc Liêu đến thấy yêu, xa thấy nhớ

Chẳng có cảnh sắc hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng như nhiều nơi, vùng đất Bạc Liêu với những “đặc sản” là tính cách mến khách, nghĩa tình, những nét văn hóa không pha lẫn đã nhẹ nhàng gieo vào lòng du khách những tình cảm đặc biệt.