(CMO) Vừa qua, Sở Khoa học - Công nghệ (KH&CN) tổ chức trao chứng nhận sản xuất lúa đạt chứng nhận VietGAP cho 3 Tổ hợp tác (THT) sản xuất VietGAP Khánh Lâm, xã Khánh Lâm; THT 1/5, Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh và THT Nông nghiệp tháng 10, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Đây là kết quả từ Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau”. Dự án này do Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau chủ trì thực hiện từ nguồn vốn KH&CN tỉnh Cà Mau.
Sở KH&CN trao chứng nhận sản xuất lúa đạt chứng nhận VietGAP cho đại diện các THT tham gia Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau”. |
Diện tích trồng lúa của tỉnh Cà Mau hiện nay trên 131.000 ha. Trong đó có hơn 70.000 ha lúa cao sản chất lượng, 51.100 ha lúa mùa đặc sản và diện tích trong hệ thống kết hợp với nuôi tôm. Đây cũng là hệ canh tác hiệu quả và bền vững hơn so với hệ thống chuyên canh (chỉ trồng lúa hoặc chỉ nuôi tôm).
Trước thực tế thị trường tiêu thụ yêu cầu sản phẩm ngày càng cao, phải đảm bảo chất lượng, sạch, truy xuất được nguồn gốc…, Sở KH&CN đầu tư dự án và hỗ trợ địa phương thực hiện quy trình sản xuất lúa mùa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP với 200 ha gắn với tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm bao tiêu cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Đến nay, dự án đã mang lại kết quả ngoài mong đợi.
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Khánh Minh là HTX liên kết tổ chức thu mua lúa của 3 THT trên. Ông Lê Thành Nghiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Minh, Ấp 14, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: “Sản xuất theo mô hình lúa VietGAP, hạt lúa đồng đều, không bị lẫn, hạt đẹp, thương lái nhìn thấy rất thích. Cụ thể vụ này đầu vụ có giá 5.800-5.900 đồng/kg, HTX thu mua của dân là 6.100-6.200 đồng/kg, đến cuối vụ thu mua giá 6.500-6.600 đồng/kg”.
Theo ông Nghiệp, dự án này bước đầu cho thấy hiệu quả, thứ nhất là giúp người dân trong HTX làm lúa an toàn, thứ hai là sản phẩm được giá hơn lúa sản xuất thường. Mô hình này nếu mở rộng thêm sẽ mang lại lợi ích cho bà con rất nhiều.
Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cà Mau Châu Văn Thọ cho biết: “Canh tác theo VietGAP là canh tác bền vững, sản phẩm được HTX bao tiêu, giá cả cao hơn thị trường nên tránh được tình trạng được mùa rớt giá. Bên cạnh đó, đồng đất sẽ không bị thoái hoá. Nếu chúng ta sản xuất theo kiểu truyền thống, đến một thời điểm nào đó đất sẽ thoái hoá, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không an toàn do sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu không nằm trong danh mục được Bộ quy định”.
Sản xuất theo quy trình VietGAP, nông dân phải thực hiện các bước như: mở sổ ghi chép nhật ký, xây dựng nhà vệ sinh, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tủ thuốc y tế, nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, ruộng sản xuất đảm bảo vệ sinh không có rác và vỏ chai thuốc bảo vật thực vật… nhằm đảm bảo chất lượng sạch, đạt năng suất, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
“Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ trung tâm giống, các đơn vị trực thuộc đưa khoa học công nghệ về hỗ trợ người dân sản xuất theo lộ trình để vừa đạt kết quả cao, vừa mang lại lợi ích bền vững, đồng thời tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích để góp phần xây dựng nông thôn mới", ông Châu Văn Thọ cho biết thêm.
Sở KH&CN phối hợp với chính quyền địa phương của 3 xã: Khánh Lâm, Khánh Hội và Khánh Bình Tây Bắc tiếp tục hỗ trợ 3 THT duy trì thực hiện 200 ha lúa mùa chất lượng cao đạt chứng nhận VietGAP trong vòng 3 năm theo giá trị chứng nhận. Đồng thời, có hướng mở rộng đối với người dân sản xuất lúa có nhu cầu thực hiện mô hình này. Hướng đi này sẽ góp phần nâng tầm chất lượng gạo của hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau trên thị trường trong thời gian tới./.
Hoàng Diệu