Năng động, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, nông dân Tô Văn Hý (Tư Hý), ngụ ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời mang về thu nhập mỗi năm từ 400-500 triệu đồng. Ông được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Năng động, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, nông dân Tô Văn Hý (Tư Hý), ngụ ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời mang về thu nhập mỗi năm từ 400-500 triệu đồng. Ông được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Tư Hý làm việc ở Ban Tuyên huấn xã Khánh Bình, sau giải phóng, ông tiếp tục công tác tại xã. “Sau khi về hưu, tự dưng chất nông dân trỗi dậy, nên tôi ngày đêm mày mò nghiên cứu, học hỏi những cách làm hay, kỹ thuật tiến bộ áp dụng vào sản xuất, vừa giúp mình thoát nghèo, vừa giúp bà con học hỏi phát triển kinh tế để “đổi đời"”, ông Hý chia sẻ. Từ việc sản xuất hiệu quả, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 19/5.
Ông Tư Hý trên cánh đồng "thí điểm" của mình. |
Ông cho biết, trước đây gia đình có 2 ha đất thì 1,5 ha sử dụng trồng lúa. Làm lúa theo cách thức cũ năng suất không cao nên việc đủ ăn là may mắn, khó có điều kiện làm giàu. Cũng vì thế, ông Tư Hý quyết chí tìm tòi và tham khảo những phương thức cải tiến trong sản xuất. Thế nên, khi xã có các lớp tập huấn kỹ thuật, không bao giờ vắng mặt ông Tư.
Và rồi những điều học hỏi được, ông mang áp dụng vào sản xuất, có chọn lọc và sáng tạo. “Thay vì sử dụng phân tổng hợp để bón lúa, tôi sử dụng phân đơn, cứ khoảng vài công đất, tôi sử dụng từng loại phân khác nhau. Kinh nghiệm lâu năm của người nông dân, tôi nhận thấy được cây lúa tại khoảnh đất đó thiếu chất gì thì bổ sung cái đó, rồi “khoanh vùng” thử nghiệm xem loại phân nào thích hợp để cây lúa phát triển nhanh mà không bị bệnh. Tuy phải tốn rất nhiều công sức cho một vụ lúa, nhưng bù lại, vụ nào cánh đồng gia đình cũng bội thu”, ông Tư Hý chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu về máy cày phục vụ sản xuất ở địa phương rất lớn (mỗi năm người dân phải chờ máy những vùng khác đến nên thiếu chủ động cho mùa vụ), ông Tư mạnh dạn vay vốn để “sở hữu” một chiếc máy cày để phục vụ cho gia đình và bà con. Vốn ít, lại có chút kinh nghiệm về cơ khí nên ông mua loại máy đã qua sử dụng về “tân trang” lại. Ðưa vào phục vụ được vài năm, khi đã tích góp được một số vốn, ông bán đi chiếc máy này, mua chiếc máy mới, công suất lớn hơn. Cứ thế, vốn nhỏ đẻ vốn lớn, đến nay gia đình ông đã có 4 chiếc máy cày, mỗi mùa vụ gia đình ông cày hơn 50% đất trồng lúa tại địa phương, gần 1.450 ha.
Ngoài 1,5 ha được dùng để trồng lúa, 0,5 ha còn lại được ông canh tác rau màu. Những khoảnh đất gần nhà được ông tận dụng vào việc nghiên cứu những mô hình mới. Cụ thể, ông đào nhiều ao nuôi thử nghiệm nhiều loại cá khác nhau để tìm hiểu xem loại cá nào tăng trưởng nhanh, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ông Tư Hý cho hay, thời gian gần đây, ông đặt vó trước nhà, bắt được khá nhiều cá phi, ông đem cá thả vào ao sau nhà. Ông còn bắt được nhiều bầy cá lòng ròng ở những ao xung quanh nhà, sau đó bao một khoảnh nhỏ thả vào, đợi đến khi nào lớn sẽ nuôi chung với cá phi. “Cá phi ban đầu còn nhỏ, tôi cho ăn thức ăn công nghiệp, khi nào lớn, có khả năng sinh sản, tôi thả cá lóc vào ăn cá phi con, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, ông Tư cho hay.
Với những mô hình kết hợp như vậy, hằng năm đã góp thêm gần 100 triệu đồng cho kinh tế gia đình ông Tư./.
Bài và ảnh: Khánh Phương