(CMO) Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, việc xây dựng căn cứ địa cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tập kết các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến. Ðồng thời, là nơi đứng chân và tổ chức chiến đấu, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy…
Cà Mau hiện có hai khu căn cứ Tỉnh uỷ đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Ðó là Căn cứ tại Lung Lá - Nhà Thể (toạ lạc tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) và Căn cứ tại Xẻo Ðước (toạ lạc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân). Nơi đây từng là trung tâm chỉ huy, mạch nối ý chí cách mạng giữa Ðảng với quân và dân địa phương, tạo sức mạnh nội lực để giải phóng dân tộc; hiện tại là niềm tự hào về truyền thống cách mạng của người dân Cà Mau.
Tuy nhiên, vì sự tồn tại để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt mặt trận kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, căn cứ Tỉnh uỷ phải thường xuyên thay đổi vị trí khác nhau và hiện tại trong tỉnh vẫn còn nhiều nơi từng là khu căn cứ nhưng chưa được xác định cụ thể vị trí, thời gian… Thế nên, công tác biên soạn lịch sử Ðảng luôn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với các cơ quan có liên quan sưu tầm tài liệu, tổ chức toạ đàm với các nhân chứng lịch sử để lắng nghe, thu thập thông tin, góp ý để tỉnh đầu tư xây dựng công trình lịch sử.
Tượng đài chiến thắng Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân).
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Toạ đàm lịch sử về “Các khu căn cứ Tỉnh uỷ Cà Mau thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, nhằm tiếp tục tổng hợp tư liệu lịch sử về các khu căn cứ Tỉnh uỷ đóng trong thời kỳ kháng chiến để làm rõ, xác định được một cách đầy đủ nhất những vị trí Tỉnh uỷ. Qua tham luận của các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử đã khẳng định Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước là tồn tại lâu nhất và ghi dấu mốc lịch sử rõ nét nhất.
Tại Lung Lá - Nhà Thể, tháng 11/1940, đồng chí Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đã triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ uỷ, đánh giá tình hình địch, công tác chuẩn bị vũ trang của ta và kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển là người trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Hòn Khoai vào đêm 13/12/1940. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã giành thắng lợi, trở thành điểm son trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ngày 13/12/1940 đã được chọn là ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.
Vào thời điểm lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt chế độ Việt Nam cộng hoà tuyên bố đầu hàng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quân giải phóng miền Nam Việt Nam, chính tại Căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Ðước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tỉnh uỷ Cà Mau cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc lại cấp tốc hành quân ra tiếp thu tiểu khu An Xuyên tại chợ Cà Mau vào ngày 1/5/1975.
Thu thập thêm thông tin nhằm làm cơ sở để phục dựng, tôn tạo hoàn chỉnh hai khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước, cũng như tiếp tục xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các công trình lịch sử ở những nơi Tỉnh uỷ từng làm căn cứ, nhằm tạo thành bản đồ, những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau… Ðồng thời, cũng ghi nhận những đóng góp của các hoạt động bảo vệ an toàn cho căn cứ Tỉnh uỷ.
Nhân chứng lịch sử, ông Phạm Hữu Phương (Ba Trương), nguyên Phó giám đốc Ðài PT-TH Minh Hải, tham gia buổi toạ đàm.
“Khu Căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Ðước hoạt động an toàn, ngoài việc được đồng bào ra sức chở che, đùm bọc thì còn một nguyên nhân sâu xa nữa đó là hoạt động tích cực của Mã thám, một bộ phận “tuyệt đối bí mật” tại Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau gần suốt thời kỳ chống Mỹ. Cũng vì bí mật mà đến giờ này hoạt động Mã thám rất ít người biết đến. Nhiều nhân chứng lịch sử chứng minh sự đóng góp to lớn của Mã thám trong công cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước vẫn chưa được ghi công, quan tâm chính sách đãi ngộ tương xứng đối với những chiến tích mà họ đã thầm lặng tạo nên những đường nét lịch sử chiến đấu vô cùng độc đáo trên quê hương Cà Mau anh hùng, trong đó có việc góp phần bảo vệ Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Ðước an toàn, nguyên vẹn”, ông Ðỗ Văn Nghiệp, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, tham luận.
Nhà giáo Nhân dân - Tiến sĩ Thái Văn Long, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, đề xuất tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác tìm về các khu căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Tỉnh uỷ Cà Mau trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ để xác định vị trí, vai trò sự kiện, ý nghĩa lịch sử. Qua đó, phát động Nhân dân cung cấp chứng cứ, hiện vật, hồi ký... như với các di tích khác mà tỉnh đã và đang làm. Khi đã xác định đúng, chính xác địa điểm những nơi căn cứ Tỉnh uỷ đã đóng thì ít nhất cũng phải đặt bia ghi dấu tích và tưởng niệm những người đã mất để bảo vệ căn cứ Tỉnh uỷ. Ðồng thời, tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan chức năng thiết lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Ðước là Di tích Lịch sử cấp quốc gia...
Mỹ Pha