Theo nhận định từ ngành chức năng, hiện nay, tình trạng người dân sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản diễn ra phức tạp cả trên biển và trong nội đồng, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng này gặp nhiều khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của người dân chưa cao.
Ngoài 4.054 phương tiện khai thác thuỷ sản có công suất lớn có đăng ký, đăng kiểm, hiện nay trên địa bàn còn rất nhiều phương tiện thuỷ nội địa hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát, nhất là trong đấu tranh ngăn chặn hành vi sử dụng kích điện trong khai thác thuỷ sản.
Ðể bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cần sớm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích ngư dân phát triển nghề khai thác thân thiện với môi trường, từ bỏ việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc. (Ảnh minh hoạ, chụp tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tháng 8/2023).
Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, cho biết, tình trạng người dân sử dụng nhiều hình thức khai thác thuỷ sản có tính chất tận diệt đang có dấu hiệu gia tăng. Ðặc biệt, các hành vi sử dụng xung điện; tàu cá hoạt động nghề lưới kéo khai thác không đúng vùng quy định; nghề te hoạt động ở vùng ven bờ và nội địa; cào đáy bằng khung sắt để cào lươn, nhuyễn thể, banh lông ở vùng lộng... đang diễn ra nhiều nơi, phạm vi rộng, ngày càng có dấu hiệu phức tạp, gây mất an ninh trật tự cả trong nội địa và trên biển. Việc sử dụng các hình thức khai thác tận diệt là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loài thuỷ sinh, ấu trùng, làm cho trữ lượng tôm cá ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, sử dụng xung điện còn gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người, chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2005 đến tháng 9/2023, lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đã phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc quy, 1.137 kích điện, 4.454 m dây điện. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính, từ các tang vật thu nộp ngân sách trên 5,72 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng, công an còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2 ngàn trường hợp sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản cả trên biển và trong nội đồng. Hành vi vi phạm phổ biến nhất là sử dụng xung điện và cào điện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn số lượng lớn phương tiện thuỷ nội địa hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.
Thực tế việc sử dụng xung điện để bắt cá ở vùng nông thôn diễn ra rất phổ biến. Ða số là nông dân tận dụng thời gian nhàn rỗi hay lúc không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, thực phẩm cho gia đình. Một số đối tượng sử dụng ghe cào, gắn hệ thống phát điện vào động cơ để khai thác thuỷ sản nhằm mục đích kinh doanh, cũng có những đối tượng sử dụng xuồng máy trang bị công suất lớn để dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện, thậm chí có những hành vi chống trả lại cơ quan chức năng.
Ðể kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác trái phép, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, ông Ðỗ Chí Sĩ cho biết thêm: "Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 637 lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với 35.317 lượt người tham dự, cấp phát trên 154 ngàn tờ rơi, tờ bướm; trên 24 ngàn pa nô, áp phích kêu gọi ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Ðặc biệt, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi một số nghề khai thác thuỷ sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái theo Quyết định 208/QÐ- TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và có chính sách thiết thực, hiệu quả để khuyến khích ngư dân phát triển nghề khai thác thuỷ sản thân thiện với môi trường, từ bỏ việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác"./.
Trung Ðỉnh