ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 16:01:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghèo rớt mồng tơi

Báo Cà Mau (CMO) “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn… Giá đừng có giậu mồng tơi/Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng…”, thằng Ðực, con Bảy thợ hồ nghêu ngao với vẻ mặt buồn buồn.

Minh hoạ:  Lý Kiều Loan

“Mới sáng sớm đến quán của cô uống cà phê mà thấy sầu não vậy Ðực, thất tình hả con? Ba mầy miệng lưỡi lắm, kêu ổng chỉ cho vài chiêu là có bồ mới liền chớ gì”, chị Tám chủ quán pha trò.

“Làm phụ hồ như con, tiền công ngày nào ăn ngày nấy, có tình đâu mà thất cô Tám ơi. Tại nghe bài hát có nói giậu mồng tơi, nghĩ đến phận mình nghèo rớt mồng tơi, nên con đồng cảm”, thằng Ðực than van.

“Thiệt tình thì lâu nay nghe bài hát này hoài mà tôi không hiểu được tại sao lại rớt mồng tơi, mà không dập mồng tơi, thúi mồng tơi…”, Sáu thợ mộc thắc mắc.

“Không phải vậy đâu Sáu ơi. “Mồng tơi” trong câu nói “Nghèo rớt mồng tơi” không phải là loại rau mồng tơi, mà đó là cách nói chữ của người xưa. Bây hết cưa, bào, đục… thì trò chơi điện tử, mà không chịu đọc sách, báo gì ráo trọi”, chú Ba bốc xếp trách nhẹ Sáu thợ mộc, rồi từ tốn giải thích:

- Ngày trước, không có áo che mưa hay chống nắng như bây giờ, nên nông dân lấy lá kết thành chiếc áo gọi là áo tơi, phần trên cổ kết dầy hơn và được buộc bằng loại dây leo rất chắc gọi là mồng tơi. Thế nên, sử dụng lâu ngày thì phần dưới, lá bị hư mục và rớt dần, nhưng phần trên vẫn còn sử dụng được, và người nghèo thì cứ thế mặc chiếc áo tơi đến đứt cái mồng tơi mới bỏ đi. Từ đó mới có câu thành ngữ “Nghèo rớt mồng tơi”, nhằm ám chỉ người nghèo khó cùng cực.

“Chú nói thì tôi nghe vậy. Nhưng bài hát nói cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn, rồi nếu không có giậu mồng tơi thì tôi sẽ qua thăm nàng… Rõ ràng là nói tại nghèo, mà nghèo như rau mồng tơi chớ còn gì nữa”, Sáu thợ mộc vẫn giữ quan điểm của mình.

“Tao nghĩ việc đổ lỗi cho giậu mồng tơi ấy chính là tình cảm lãng mạn, sự chân quê, gần gũi của thi sĩ Nguyễn Bính, nói về tình yêu đơn phương của anh trai làng với cô thôn nữ (bài thơ "Cô hàng xóm" - PV). Mà nếu như nhà thơ có than nghèo đi chăng nữa thì mượn giậu mồng tơi nói hàng rào ngăn cách anh chàng đến với cô nàng cũng là cách chơi chữ khôn khéo. Chính vì cảm được ý tứ sâu sắc đó nên Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng mới phổ nhạc cùng tên mà lúc nãy thằng Ðực mới ca đó”, chú Năm xe ôm giải thích.

Tuy nhiên, Sáu thợ mộc vẫn chưa chấp nhận mình sai, mà muốn tiếp tục tranh cãi. Song, chị Tám đã lên tiếng ngăn chặn: “Thôi đi Sáu ơi, ông lúc nào cũng cãi chày cãi cối mà không chịu nhìn nhận mình sai”.

“Thiệt tình, trước đây con cũng nghĩ “Nghèo rớt mồng tơi” là người ta ví như rau mồng tơi vì nó rẻ tiền. Nhưng, giờ nghe ông Ba với ông Năm phân tích, con cũng vừa tra gu-gồ, quả thật đúng vậy”, thằng Ðực nhẹ giọng.

“Nghe chưa anh Sáu, thời buổi công nghệ, có khó khăn gì đâu. Cái gì mình chưa biết thì cứ vô gu-gồ, ở đó “thằng bạn” thông minh sẽ giải đáp tất tần tật”. Bị chị Tám lên lớp, Sáu thợ mộc cúi đầu né tránh những cặp mắt đang nhìn mình, chờ câu xin lỗi “Tôi sai rồi”./.

 

Mỹ Pha

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương