ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-7-25 02:25:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghị định mở đường cho hoạt động ở cơ sở - Bài 2: Vơi nguồn cán bộ đoàn cơ sở

Báo Cà Mau Cán bộ Ðoàn cơ sở trong tỉnh ngày càng vơi dần số lượng. Nguyên nhân là không kinh phí hoạt động, mức lương, phụ cấp không đủ trang trải cuộc sống và sắp tới là tinh gọn biên chế. Ðây là thực trạng chung về nguồn lực cán bộ Ðoàn tại cơ sở hiện nay.

>> Bài 1: Vất vả người "vác tù và hàng tổng"

Tại Cà Mau, hiện tổ chức Ðoàn gồm có 1 đơn vị cấp tỉnh, 24 cấp huyện và 283 cấp xã; với 33.587 đoàn viên.

Không kinh phí, mức lương thấp

Cán bộ Ðoàn có đặc thù về độ tuổi, tất cả đều trẻ, tuổi không quá 35 theo khung quy định của Quy chế cán bộ Ðoàn (đối với xã, phường, thị trấn); đối với chi đoàn ấp, khóm thì theo độ tuổi của đoàn viên, cũng không quá 35, nhưng đa phần là trẻ hơn.

Ở độ tuổi này, cán bộ Ðoàn đều là lao động chính, sống chung gia đình, chưa tự chủ về tài chính, nhìn chung điều kiện kinh tế còn khá khó khăn. Ðiều này có tác động rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ chức Ðoàn. Thứ nhất, cán bộ Ðoàn sẽ không có nhiều thời gian để nghiên cứu, tổ chức, tham gia vào các hoạt động của Ðoàn. Thứ hai, theo quy định, Bí thư Ðoàn cấp xã được hưởng lương; Phó bí thư Ðoàn cấp xã là người hoạt động không chuyên trách, chỉ được hưởng phụ cấp.

Tuy nhiên, đặc thù của Ðoàn là hoạt động phong trào, tần suất hoạt động nhiều, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ công tác Ðoàn còn thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên do cấp uỷ cùng cấp giao. Vì vậy, để lực lượng này dành nhiều thời gian, yên tâm tham gia công tác cần có kinh phí hỗ trợ ở mức phù hợp, đáp ứng cơ bản nhu cầu cuộc sống.

Hiện tại, chỉ các bí thư chi đoàn ở ấp, khóm mới có được số tiền hỗ trợ hằng tháng, dao động từ 600-800 ngàn đồng tuỳ khu vực. Còn đối với các phó bí thư chi đoàn ấp đều không có bất kỳ nguồn tiền nào để trang trải chi phí đi lại, ăn uống... Vì vậy, bí thư chi đoàn ấp tự trích phần tiền hỗ trợ hằng tháng vốn ít ỏi của mình để phụ thêm tiền ăn uống, tạo động lực cho đoàn viên khi tham gia các phong trào.

Ðoàn viên xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tham gia ươm vườn cây giống để phục vụ tuyến đường hoa, cây xanh trong xây dựng nông thôn mới.

Bạn Ðỗ Thị Mơ, Phó bí thư Xã đoàn Khánh Hoà, huyện U Minh, cho biết: “Hiện tại, công việc của tôi tương đối nhiều nhưng kinh phí khó khăn. Chúng tôi chỉ biết cố gắng, vận động các bạn tham gia các hoạt động do Ðoàn cấp trên đề ra. Tiền trợ cấp còn thấp, gắn bó với các hoạt động Ðoàn là vì niềm đam mê và tương lai phía trước".

Bạn Ngô Lê Thức, Bí thư Chi đoàn Ấp 14, xã Khánh Hoà, chia sẻ: “Mỗi tháng tôi được phụ cấp 630 ngàn đồng, không còn khoản hỗ trợ nào khác. Tôi sinh hoạt Ðoàn ở ấp, ở xã, các hoạt động cũng khá nhiều, vậy nên chi phí này là không đủ”.

Nhiều đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã phải rời địa phương để tìm công việc ổn định ở các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Ðồng Nai. Chỉ những đoàn viên lập gia đình tại địa phương và có cơ sở làm ăn, kinh tế ổn định mới có đủ lực bám trụ với các hoạt động Ðoàn. Về lâu về dài, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ ngày càng vơi đi lực lượng đoàn viên, dẫn đến thiếu nhân lực trầm trọng để tham gia các hoạt động. Chưa kể, sẽ còn gây ảnh hưởng lớn đến việc đào tạo thế hệ kế thừa của Ðoàn trong tương lai.

Về vấn đề đào tạo theo Nghị định số 33/2023, cán bộ chuyên trách và người hoạt động không chuyên trách đều bắt buộc phải có trình độ theo quy định. Ðã qua, người hoạt động không chuyên trách được chuẩn hoá, được đào tạo bài bản, đúng với yêu cầu vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc đi học và kinh phí bỏ ra với các đối tượng này để nâng cao trình độ là vấn đề rất khó khăn.

Ðau đầu giữ chân nhân lực

Chế độ, chính sách dành cho cán bộ Ðoàn ở cơ sở nói riêng và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khóm, ấp nói chung rất quan trọng. Anh Phan Vĩnh Phú, Bí thư Huyện đoàn Cái Nước, cho biết: “Ðối với công tác Ðoàn ở địa bàn dân cư, việc tập hợp đoàn viên tham gia hoạt động rất khó khăn. Nguyên nhân là quyền lợi, chi phí hỗ trợ không có, trong khi việc nặng nào cũng giao cho anh em đoàn viên, chuyện gì khó ở chi bộ cũng giao cho đoàn viên. Kinh phí không có, thời gian dài sẽ không giữ được đoàn viên bám trụ cơ sở”.

Anh Phạm Văn Hiền, Bí thư Huyện đoàn U Minh, cho biết: “Huyện đoàn đang xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên, gồm 2 nguồn, thứ nhất là quỹ giúp nhau lập nghiệp, do các bạn đoàn viên, thanh niên đóng góp; thứ hai là nguồn vốn khoa học công nghệ. Hằng năm, UBND huyện giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng làm chủ đầu tư. Mô hình này dao động từ 120-200 triệu đồng/năm. Ðây là một trong những động lực giữ chân đoàn viên, thanh niên tại địa phương, để các bạn tăng thu nhập và bám trụ với công tác Ðoàn”.

Với sức trẻ, các bạn đoàn viên muốn cống hiến nhiều cho quê nhà bằng những công trình, phần việc ý nghĩa. Song về lâu dài cần sự trợ lực, quan tâm thoả đáng.

Tỉnh đoàn Cà Mau chỉ đạo các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên; tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế; chỉ đạo xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Hỗ trợ thanh niên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế; toàn tỉnh hiện có 161 mô hình kinh tế của thanh niên. Tỉnh đoàn xây dựng và duy trì hiệu quả “Cửa hàng Thanh niên”, trang website: sanphamthanhniencm.vn và “Cà phê thanh niên khởi nghiệp”... Ðây là không gian kết nối, tiêu thụ sản phẩm, kết nối ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của thanh niên. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm thanh niên của tỉnh Cà Mau trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như vận động trao tặng nhà, con giống, cây trồng, vật nuôi...

Anh Nguyễn Hoàng Ðạo, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho biết: "Kinh phí hoạt động của tổ chức Ðoàn các cấp hiện nay được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền cùng cấp, nhất là từ khi Tỉnh uỷ Cà Mau ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 20/7/2022 tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình mới. Các cấp bộ Ðoàn cũng tranh thủ, vận động từ nguồn xã hội hoá để tăng cường nguồn lực cho các phong trào của Ðoàn. Từ sau Nghị quyết 06 được triển khai thực hiện, tổ chức Ðoàn các cấp đã đăng ký với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp nhiều công trình, phần việc gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, được hỗ trợ nguồn lực để thực hiện. Ðây cũng là một trong những giải pháp để tăng cường nguồn lực hoạt động của Ðoàn; đồng thời, đảm bảo nhiệm vụ công tác Ðoàn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tôi nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp cần được duy trì bền vững".

"Song song đó, Nghị định số 33/2023 đang được thực hiện, công tác đào tạo cán bộ Ðoàn và đoàn viên cũng sẽ đối mặt với những thử thách lớn. Việc thực hiện chế độ, chính sách là một trong những nội dung của công tác cán bộ Ðoàn; chế độ, chính sách tốt sẽ tạo động lực để cán bộ Ðoàn yên tâm công tác. Các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đến đội ngũ hoạt động không chuyên trách, nhất là ở ấp, khóm. Tôi tin, với sự quan tâm ấy, nghị quyết của HÐND tỉnh khi được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất trên cơ sở quy định của Chính phủ, để đội ngũ cán bộ ở cơ sở, không riêng gì tổ chức Ðoàn, được yên tâm công tác. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, tạo nguồn công tác cán bộ”, anh Nguyễn Hoàng Ðạo cho biết thêm./.

 

Kim Cương - Lam Khánh

Bài cuối: Giải pháp cho nguồn nhân lực

 

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 1: Vì lợi ích Nhân dân

Thời gian qua, ở tỉnh Cà Mau đã có hàng ngàn mô hình dân vận khéo (DVK) hiệu quả, thiết thực vì cuộc sống người dân, hướng đến xây dựng “gia đình hạnh phúc”, “cộng đồng hạnh phúc” và dần tiến tới “xã hội hạnh phúc”. Và công tác dân vận khéo chính là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài cuối: Ðất lành - Trăm năm tươi tốt

Sau 50 năm thống nhất đất nước, hệ thống trường học trên địa tỉnh Cà Mau được quy hoạch, đầu tư kiên cố, khang trang (trường xanh, sạch, đẹp) theo Ðề án kiên cố hoá trường lớp, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Các trường được đầu tư theo hướng tiến tới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo Ðề án “Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài 2: Nhà giáo hai quê

Trong những năm tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Tuy vậy, với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp trồng người”, nhiều giáo viên tình nguyện từ miền Bắc vào Nam theo tiếng gọi “Nam tiến”, đã không ngại gian khổ bám trụ để dạy học giữa rừng đước, rừng tràm, bưng biền, để tạo nên lớp thế hệ tương lai cho quê hương.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau

Từ "vùng trũng” giáo dục khi giải phóng (30/4/1975), sau nửa thế kỷ, Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã có thể tự tin, tự hào để nói về một vùng đất hiếu học, vùng đất học. Một nhà giáo về hưu, được tăng cường từ miền Bắc vào để giảng dạy những năm đầu sau giải phóng, đã nói đại ý về giáo dục Cà Mau: "Bác Hồ dạy “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Cà Mau là đất lành, thế nên rừng ở Cà Mau mênh mông đước tràm, chim kéo về làm tổ. Con người Cà Mau thì có bản sắc, cá tính riêng, chúng tôi, những người làm nghề giáo chỉ có mặt và góp thêm những điều mình có, nhỏ bé thôi, để khơi mở nội lực lớn lao của tài nguyên con người nơi đây”.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân - Bài cuối: Đồng hành trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang ngày càng đi vào chiều sâu, từ khâu quản lý đến phục vụ người dân. Trong hành trình đó, báo chí đã và đang đóng vai trò không thể thay thế, không chỉ là “kênh truyền dẫn” thông tin, mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, giúp đưa tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân

Giữa dòng chảy không ngừng của chính sách, báo chí như ống kính soi chiếu hiệu quả từ thực tiễn, là kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, từ đó góp phần xây dựng chính sách hoàn thiện, hiệu quả, thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Ðiều này đặc biệt thấy rõ ở vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông tín dụng chính sách thời gian qua.

Kỷ niệm với Trường Trung học Tiền Phong

Nhớ giữa năm 1953 đầu năm 1954, tôi đang học Trường Trung học Tiền Phong do Xứ đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ tổ chức thì có quyết định rút tôi về cơ quan Xứ đoàn để bảo vệ Ban Biên tập Báo Nhân Dân miền Nam, do anh Kỉnh (Nguyễn Phượng Vũ) và anh Hưởng Triều (Trần Bạch Ðằng) phụ trách.

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai? - Bài cuối: Thành bại tại… cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Công tác cán bộ là mấu chốt quyết định sự thành bại của chính quyền địa phương 2 cấp”. Gắn với cuộc cách mạng về bộ máy tổ chức là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ, uy tín Nhân dân là những tiêu chí cao nhất cho việc lựa chọn cán bộ. Đây cũng là những vấn đề mà tỉnh Cà Mau đặc biệt lưu tâm trong việc “chọn người” xứng tầm, đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ là công việc khó, nhiều biến số, do đó cần có quy trình, cơ chế, tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, thận trọng nhưng đồng thời cũng phải có sự mạnh dạn, đột phá. Việc “chọn người” cần phải làm rõ những vấn đề mấu chốt nhất, đó là “ai chọn?”, “chọn ai?” và chọn như thế nào? Gắn với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, công tác cán bộ là vấn đề hết sức thời sự, quyết định đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mới.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.