Gần 2 tháng qua, tại vùng nuôi nghêu ven biển của Hợp tác xã (HTX) Nuôi nghêu Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nghêu chết hàng loạt, thiệt hại cho người nuôi trên 2,6 tỷ đồng.
Gần 2 tháng qua, tại vùng nuôi nghêu ven biển của Hợp tác xã (HTX) Nuôi nghêu Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nghêu chết hàng loạt, thiệt hại cho người nuôi trên 2,6 tỷ đồng.
Hiện nay, nghêu nuôi đã tạm ngưng chết, nhưng người nuôi nghêu đang đứng ngồi không yên vì sợ tảo độc tiếp tục xuất hiện theo con nước làm nghêu chết thêm.
HTX Nuôi nghêu Đất Mũi được thành lập cách đây hơn 5 năm, có trên 100 xã viên, chia thành 16 tổ nuôi nghêu thương phẩm, với diện tích 72 ha đất bãi ven biển.
Thu hoạch nghêu thương phẩm tại Hợp tác xã Nuôi nghêu Đất Mũi. |
Ông Lê Phú Sánh, Giám đốc HTX Nuôi nghêu Đất Mũi, cho biết, vụ nghêu năm nay, hợp tác xã bắt đầu thả giống từ ngày 26-29/10/2015, với 32 tấn. Sau 20 ngày thả nuôi, nghêu bắt đầu có hiện tượng chết và kéo dài cho đến nay. Trong 16 tổ nuôi nghêu, có 10 tổ thiệt hại 100%, 6 tổ thiệt hại từ 50-70%. Tổng lượng nghêu chết ước khoảng 30 tấn, trọng lượng 9.000-10.000 con/kg, tổng thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng. Nguồn con giống được người nuôi mua từ Bạc Liêu và Bến Tre.
Ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết, đã phối phợp với Chi cục Thuỷ sản khảo sát thực tế tại vùng nuôi, bước đầu xác định nguyên nhân nghêu chết do ảnh hưởng nguồn nghêu giống. Không ghi nhận các yếu tố bất thường về thời tiết và môi trường ảnh hưởng đến thiệt hại này, vì nếu yếu tố thời tiết và môi trường làm cho nghêu chết thì vỏ nghêu không bị vỡ nát.
Theo anh Nguyễn Văn Hôn, thành viên HTX Nuôi nghêu Đất Mũi, ngoài nguồn nghêu chết, trong các con nước gần đây đều xuất hiện tảo độc từ ngoài biển trôi dạt vào từ 1-2 ngày, nước có màu đỏ, làm cho nghêu nuôi thiệt hại thêm từ 20-30%. Theo dự đoán của anh Hôn, trong thời gian tới, nguồn tảo độc này còn có thể xuất hiện, nghêu nuôi sẽ còn bị ảnh hưởng tiếp.
Vùng nuôi nghêu là bãi biển rộng nên người nuôi khó có thể xác định chính xác nguyên nhân gây chết nghêu nuôi. Thời điểm này, người nuôi chỉ mong sao nghêu ngừng chết để còn thu hoạch, lấy lại chi phí đầu tư. "Không ai muốn nghêu chết để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần con giống để giúp người nuôi tái sản xuất. Đồng thời, đề nghị ngành chuyên môn nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết nghêu để người nuôi chủ động phòng, tránh trong vụ nghêu tới và sớm hỗ trợ về vốn để thành lập trại sản xuất nghêu giống, tập huấn kỹ thuật sinh sản nghêu giống và kỹ thuật nuôi và chăm sóc nghêu", ông Sánh kiến nghị./.
Bài và ảnh: Trúc Ly