ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 04:54:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhạc sĩ Đặng Sơn Thuỷ: trót vương cung đàn

Báo Cà Mau (CMO) Biết nhạc sĩ Đặng Sơn Thuỷ qua nhiều lần có dịp đến Đoàn Cải lương Hương Tràm, ấn tượng ban đầu của tôi đối với anh đó là một nhạc sĩ có giọng nói rất ấm áp, cởi mở dễ gần và đặc biệt là rất hiền. Cái hiền được thể hiện rõ mồn một trong từng lời nói, từng nụ cười tươi trên môi khiến ai đã từng tiếp xúc sẽ không thể nào quên được.

Là con nhà nòi trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là Nhạc sĩ Lương Thiện công tác ở Đoàn Văn công giải phóng Trung ương (Hà Nội), nên từ nhỏ niềm đam mê đờn ca đã ngấm vào máu Sơn Thuỷ. Tuy nhiên, thay vì đi theo con đường cổ nhạc như cha thì anh lại trót đam mê và quyết chọn cho mình lối rẽ tân nhạc.

"Hồi còn nhỏ, được ba mua cho cây đờn cổ để tập tành, học hỏi với mong muốn con mình rồi đây sẽ nối nghiệp nhưng không hiểu sao tôi lại thấy yêu nhạc hơn. Tuổi trẻ đi đây đi đó với bạn bè đàn hát, mê say rồi theo nghề hồi nào không hay...". Niềm đam mê âm nhạc được anh gợi lại với ánh mắt sáng rực.

Nhạc sĩ Đặng Sơn Thủy.

Sau khi học hết THPT, năm 1987, Sơn Thủy bắt đầu đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp khi vừa tròn 19 tuổi với vai trò nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Tiến Biển, tỉnh Kiên Giang. Những năm sau đó, anh lần lượt là trưởng ban nhạc của Đoàn Ca múa nhạc Cần Thơ, Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang. Trong một lần tình cờ, Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, nguyên Trưởng Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Cà Mau, về Kiên Giang biểu diễn, nhận thấy tiềm năng của chàng trai trẻ và sẵn đoàn đang thiếu nhạc công liền gợi ý mời anh về công tác.

Như một cơ duyên, năm 1997, Sơn Thuỷ quyết định về Cà Mau tiếp tục con đường nghệ thuật. Cũng chính tại đây đã là cầu nối, tạo điều kiện để anh học tập âm nhạc một cách bài bản, chính quy thay vì cứ học theo kiểu "nghề dạy nghề" như trước.

Đúng với nguyện vọng ấp ủ bấy lâu nay nên song song với hoạt động nghệ thuật, anh lao vào học tập bằng cả sự say mê và lần lượt hoàn thành chương trình trung cấp sáng tác rồi Đại học Âm nhạc của Trường Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau.

"Nghệ thuật đã là máu thịt, là đam mê nên phải luôn trau dồi. Hơn nữa, kiến thức âm nhạc rất mênh mông, càng học càng thấy thiếu nên đòi hỏi phải bổ sung để phát triển từng ngày một...", anh lý giải.

Tuy nhiên, theo Nhạc sĩ Sơn Thuỷ, chỉ học thôi chưa đủ, con đường để trở thành nhạc sĩ, ngoài kiến thức, năng khiếu và đam mê còn đòi hỏi vốn sống ở trường đời. Có như vậy tiếng đàn hay những sáng tác âm nhạc của mình mới dễ đi vào lòng người. Nghĩ vậy nên anh luôn ra sức lăn lộn vào cuộc sống, nắm bắt những sự việc tưởng chừng như rất đời thường hằng ngày, từ đó chắt lọc lấy nguồn cảm hứng và chất liệu nghệ thuật để đưa vào tác phẩm âm nhạc của mình.

Tính đến nay, Nhạc sĩ Sơn Thuỷ đã cho ra đời trên dưới 20 ca khúc, trong đó có nhiều sáng tác viết về Cà Mau đoạt giải cao ở các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh như: Đêm thành phố Cà Mau, Nơi ấy Cà Mau, Thành phố tôi yêu, Sức sống U Minh, Thới Bình quê em ..
Đặc biệt, ở các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc những năm gần đây, những tác phẩm khí nhạc viết cho vở cải lương đã liên tiếp mang về cho anh 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Đây được xem như những thành quả xứng đáng với hoạt động nghệ thuật nghiêm túc của nhạc sĩ.

Khi được hỏi: "Có bao giờ anh thấy thiệt thòi khi người nhạc sĩ chỉ luôn đứng phía sau và ít được khán giả biết đến không?", Nhạc sĩ Sơn Thuỷ đáp lại bằng nụ cười hiền và cái lắc đầu không do dự: "Chỉ cần thấy anh chị em diễn viên thành công với vai diễn, đoàn Hương Tràm biểu diễn được khán giả ngày một yêu mến thì đó đã là hạnh phúc và niềm tự hào lớn rồi".

Đảm nhiệm vai trò Phó trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm từ năm 2012, thời gian đầu, anh có đôi chút bỡ ngỡ bởi kiến thức chuyên môn và công việc có phần không giống nhau, nhưng rồi mọi khó khăn đều được anh dần lấp đầy bằng những cố gắng, nỗ lực để làm tròn trách nhiệm của mình, cùng với ban lãnh đạo của đoàn ra sức định hướng cho anh em nghệ sĩ giữ vững truyền thống và thành tích của Hương Tràm từ bấy lâu nay. Với cách làm việc gần gũi, không hề có khoảng cách trong quản lý nên anh luôn được lòng anh em nghệ sĩ trong đoàn.

Nói về người lãnh đạo, cũng là đồng nghiệp lâu năm của mình, Nghệ sĩ Ngọc Xanh nhìn nhận: "Anh Thuỷ là một nhạc sĩ rất nhiệt tâm, hết mình vì sự nghiệp chung của tập thể, luôn quan tâm giúp đỡ anh em nghệ sĩ kể cả về nghệ thuật lẫn cuộc sống riêng. Hiền lành, rất dễ tạo thiện cảm với mọi người nên hầu như ai cũng quý mến anh".

Ngoài công việc là nhạc sĩ, kiêm lãnh đạo của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhiều năm qua cái tên Sơn Thuỷ còn được biết đến với vai trò một người thầy hết sức tận tuỵ. Từng tham gia giảng dạy âm nhạc ở Trường Văn hoá - Nghệ thuật Cà Mau và hiện tại là giảng viên dạy đàn ghi-ta của Trường Đại học Bình Dương, anh tâm sự: "Mỗi giờ lên lớp là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc vì được truyền đạt kiến thức, thắp lên niềm đam mê âm nhạc cho các bạn trẻ".

Nghệ sĩ thường lãng mạn, nhưng khi bước chân vào giảng đường, việc giảng dạy được anh áp dụng bằng những phương pháp khoa học, khuôn mẫu và mực thước. Nếu như với sân khấu, niềm hạnh phúc là sự thăng hoa, những tác phẩm nghệ thuật được công chúng biết đến, thì với sự nghiệp giảng dạy, theo anh, hạnh phúc là khi được nhìn những thế hệ học trò tiếp nhận kiến thức âm nhạc bằng cả trái tim và thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ca hát, nhạc công, sư phạm...

Từ quê hương xã Vĩnh Hoà Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, trót vương cung đàn như một phần máu thịt, rồi anh coi Cà Mau như quê hương thứ hai. Trong câu chuyện về hành trình dài gắn bó với nghiệp ca cầm, điều rất đáng tôn trọng và làm tôi xúc động nhất là dường như lúc nào Nhạc sĩ Sơn Thuỷ cũng dành hai tiếng cảm ơn tận đáy lòng đối với Cà Mau, với Đoàn Cải lương Hương Tràm. Bởi theo anh, từ nơi đó, cái tên và sự nghiệp của anh được giữ vững đến ngày hôm nay.

Ôm chiếc đàn ghi-ta, lướt nhẹ cung phím với phong thái hết sức nghệ sĩ, tiếng đàn của Nhạc sĩ Sơn Thuỷ cất lên như một lời tự tình. Nhìn vào ánh mắt anh, tôi như đọc được ở đó sự viên mãn.../.

Trần Hoàng Phúc

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật

Sáng nay (24/9), tại Khách sạn Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp xã hội Đời Rất Đẹp (DRD) phối hợp với Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tổ chức Lễ trao vốn sinh kế cho 50 người khuyết tật thuộc Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.