Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó, giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ.
Với lợi thế điều kiện đất mặn, phèn ven biển, cửa sông giàu vi lượng, sản xuất lúa bằng nguồn nước trời, đa dạng các vùng sinh thái, các loại hình sản xuất, Cà Mau định hướng phát triển ngành lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ. Ðến nay, đã xây 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ với tổng diện tích trên 7.000 ha.
Theo thông tin từ ngành chức năng, cơ cấu giống lúa đã được chuyển đổi sang nhóm lúa chất lượng cao chiếm 45,1%, nhóm lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, RVT và Ðài thơm 8...) chiếm 48,3% và nhóm lúa chất lượng trung bình (OM 576, OM2517...) chiếm 6,6%. Hiện nay, lượng lúa giống gieo sạ giảm rất nhiều, phổ biến 100-120 kg/ha. Nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ chiếm khoảng 85%. Cơ giới hoá trong sản xuất lúa được áp dụng mạnh mẽ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân huyện U Minh đang dần chuyển sang giống lúa chịu mặn cao. (Trong ảnh: Chuẩn bị vụ lúa trên đất nuôi tôm ở Ấp 17, xã Nguyễn Phích).
Diện tích lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay của Cà Mau là 802 ha, tập trung tại huyện Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau, giá bán lúa hữu cơ dao động từ 8.300-9.500 đồng/kg, mang lại giá trị gia tăng từ 1.000-2.500 đồng/kg, thu nhập từ 24-28 triệu đồng/ha.
Là đơn vị tiên phong trong sản xuất lúa hữu cơ, năm 2018, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trồng lúa hữu cơ với 27 ha, đến năm 2020, tăng lên 100 ha. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, khẳng định: “Trồng lúa hữu cơ thì phải làm theo hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư, chuyên gia. Nếu ruộng lúa đăng ký sản xuất giống lúa sạch, đạt chuẩn, có giấy chứng nhận sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm, giá thành cao hơn trồng lúa thường nên bà con rất an tâm sản xuất”.
Từ hiệu quả mô hình lúa - tôm hữu cơ ở huyện Thới Bình, vụ lúa - tôm năm 2023, lúa hữu cơ bén rễ trên vùng đất U Minh với tổng diện tích 40 ha, với 30 hộ tham gia tại Ấp 17, xã Nguyễn Phích. Ðược biết, mô hình lúa hữu cơ ở Ấp 17 do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ thực hiện.
Hộ ông Lê Văn Hoà chia sẻ: “Năm nay, tôi xuống giống lúa hữu cơ trên diện tích 2 ha. Lần đầu thử nghiệm nên cũng lo lắm vì giờ chỉ bón phân hữu cơ, tôi sợ dịch bệnh, sâu rầy phá hại nên ngày nào cũng ra xem ruộng lúa, nếu phát hiện sẽ báo với cán bộ kỹ sư tìm hướng khắc phục ngay”.
Hộ ông Lê Văn Hoà đang rào lưới bao quanh ruộng lúa để chuột và cá không ăn lúa. Ảnh chụp ngày 27/9.
Ngoài Ấp 17, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện U Minh cũng hỗ trợ, vận động người dân trên địa bàn Ấp 18 chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ từ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Trưởng Ấp 18, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Vụ lúa - tôm năm 2020, ấp đã triển khai thí điểm cho 20 hộ với diện tích trên 20 ha. Vụ lúa - tôm 2023, ấp triển khai thêm 48 ha với 52 hộ dân tham gia trồng lúa sạch với giống lúa ST24. Sau 3 năm triển khai trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sạch, nhiều hộ dân đã thấy được giống lúa thích nghi với vùng đất mặn nên xin tham gia sản xuất”.
Ngoài trồng lúa hữu cơ, những năm gần đây, nông dân xã Nguyễn Phích bắt đầu chuyển đổi từ nuôi tôm sú, thẻ sang nuôi tôm càng trái vụ. Các hộ dân nơi đây cho biết, vào vụ lúa thì lượng mưa nhiều, nước trong vuông tôm sẽ bị lợ, ngọt hoá nên tôm sú không phát triển. Thay vào đó, bà con dần chuyển sang nuôi tôm càng, đợi đến mùa nước mặn thì quay lại thả sú. Theo hướng này, những năm gần đây nông dân có thu nhập ổn định.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, cho biết: “Ðơn vị cũng đang hướng tới vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Ban đầu sẽ vận động từng vùng chuyển đổi trồng các giống lúa như ST24, ST25... vì đây là những giống chịu mặn tốt, năng suất cao, từng bước hướng tới phát triển bền vững mô hình “kép” là lúa sạch và tôm sạch trên địa bàn huyện”.
Các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai thực hiện tác động tích cực đến nhận thức, tập quán canh tác của nông dân trong việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh nguồn gốc sinh học. Không chỉ tạo ra lúa, gạo sạch, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn có lợi cho môi trường, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững./.
Kim Cương