Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) 2023 có chủ đề "Nâng tầm tôm Việt - Cùng phát triển sản phẩm OCOP". Sự kiện này có quy mô cấp khu vực, sẽ diễn ra từ ngày 13-16/12 tại TP Cà Mau, với nhiều hoạt động đặc sắc.
Theo Ban Tổ chức, các hoạt động chính của sự kiện gồm: Chương trình nghệ thuật tổng hợp Khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP ÐBSCL 2023 diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 13/12, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Cà Mau, với hình thức sân khấu hoá các chương trình văn nghệ mang đậm dấu ấn, đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV hoặc Ðài PT-TH Cà Mau và tiếp sóng trên một số đài địa phương. Không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP với 400 gian hàng tham gia, diễn ra từ ngày 13-16/12, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh.
Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo như: Diễn đàn Xúc tiến thương mại, diễn ra vào 8 giờ ngày 13/12; Hội nghị sơ kết Chương trình liên kết TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ÐBSCL năm 2023, vào lúc 8 giờ ngày 13/12; Diễn đàn Xúc tiến du lịch vào lúc 14 giờ ngày 13/12; Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 14/12.
Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP ÐBSCL 2023 là sự kiện lớn, quan trọng tại tỉnh Cà Mau. (Ảnh minh hoạ)
Hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL năm 2023” diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 14/12, với hình thức trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước và xuất khẩu; giới thiệu các tiêu chuẩn mua hàng của các nhà mua, các doanh nghiệp phân phối; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các chủ thể OCOP với các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó có các hội thảo phát triển ngành tôm: Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”, khai mạc lúc 8 giờ ngày 16/12; Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”, khai mạc vào lúc 14 giờ ngày 14/12. Các hội thảo chuyên đề ngành tôm diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 15/12. Dự kiến từ 50-100 đại biểu tham dự cho mỗi phiên. Mỗi phiên là một chuyên đề thời lượng khoảng 40 phút, bao gồm các chuyên đề: “Quy trình công nghệ nuôi và sản xuất giống thuỷ sản”; “Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm”; “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh”; “Chế biến và thị trường xuất khẩu tôm”; “Giới thiệu các sản phẩm, công nghệ, thiết bị mới trong ngành tôm”. Hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thuỷ sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu”, khai mạc lúc 13 giờ 30 ngày 16/12.
Sẽ có nhiều hội thảo phát triển ngành tôm.
Ngoài ra, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tổng hợp diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh, với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, những màn trình diễn âm nhạc, văn hoá với sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng và tài năng của địa phương. Tất cả những điều này hội tụ lại, tạo nên trải nghiệm văn hoá độc đáo, sắc sảo và rực rỡ cho khán giả, du khách tới tham dự các hoạt động trải nghiệm ẩm thực tại lễ hội.
Ngày hội “Ẩm thực thuỷ sản Cà Mau” kết hợp quảng diễn tinh hoa ẩm thực Việt, diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh, với hình thức bố trí, tổ chức các gian hàng ẩm thực và bếp tập thể đón tiếp, phục vụ khách tham quan. Bố trí không gian ẩm thực: mời các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ẩm thực tham gia (không gian có trang trí hình ảnh liên quan đến tôm và các đối tượng thuỷ sản khác); mời các đầu bếp nổi tiếng biểu diễn các món ăn theo chủ đề.
Lễ hội diễu hành đường phố diễn ra vào lúc 18 giờ ngày 13/12, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh, với hình thức đoàn xe diễu hành được trang trí thiết kế tôn vinh những sản vật của Cà Mau; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, múa lân sư rồng, trống khai hội, xiếc đường phố...
Hoạt động trải nghiệm văn hoá, vui chơi giải trí diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện. Du khách được tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hoá lễ hội của ba miền, đặc biệt là Cà Mau; các hoạt động gian hàng karaoke (booth karaoke).
Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP ÐBSCL 2023 là sự kiện lớn, quan trọng do tỉnh Cà Mau tổ chức, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như khu vực. Nhiệm vụ, công tác chuẩn bị từ nay đến cuối năm rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn của các sở, ngành, địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Tổ chức Festival Tôm, các tiểu ban có kế hoạch phân công cụ thể các nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với nhau trong tất cả các khâu chuẩn bị để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất. |
Tổ chức tham quan du lịch, diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện. Với hình thức bố trí các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, tour du lịch cộng đồng văn hoá vùng sông nước Cà Mau gắn với tham quan các vùng nuôi tôm của Cà Mau. Cụ thể, tour du lịch, tham quan các khu du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Cà Mau: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia U Minh Hạ; hòn Ðá Bạc và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...; tham quan các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường như nuôi tôm sinh thái (tôm - lúa, tôm - rừng...), các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP và các làng nghề ven biển.
Ban Tổ chức cũng cho biết, chương trình Bế mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP ÐBSCL 2023 diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 16/12, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh./.
Phú Hữu